Chốt phương án xử lý 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc

ANTĐ - Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cuối tuần này, 7.000 lít dầu độc có nguy cơ tàn phá Vịnh Hạ Long sẽ được chuyển từ cảng Cái Lân (Quảng Ninh) vào Kiên Giang để xử lý. 
Chốt phương án xử lý 7.000 lít  dầu chứa chất siêu độc ảnh 1
Việc bảo quản, vận chuyển, xử lý các thiết bị chứa PCB được thực hiện rất nghiêm ngặt

Loại bỏ nguy cơ đe dọa Vịnh Hạ Long

Tháng 11-2007, Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc để phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định. Sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện trong máy biến thế có chứa PCB (hóa chất độc hại chỉ sau Dioxin) trong dầu biến thế. 

Theo quy định, lô hàng trên phải được tái xuất. Tuy nhiên, phía công ty nhập khẩu cho biết, không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại. Do lô hàng chưa thông quan nên buộc phải lưu tại kho ngoại quan của Cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Với  khối lượng lớn, tính chất nguy hiểm rất cao, không có hướng dẫn cụ thể về lưu trữ, vận chuyển nên gần 7 năm qua, lô hàng vẫn nằm ở sân cảng, cách Vịnh Hạ Long không xa. Việc này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tàn phá di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long, nếu lượng dầu này bị tràn ra ngoài. 

Đến tháng 5-2014, các bên liên quan mới tiến hành đóng gói lô hàng nhiễm PCB này. Số lượng dầu nhiễm PCB lấy ra từ máy biến thế khoảng 7.000 lít. Việc di chuyển lượng dầu nhiễm chất độc PCB ra khỏi Cảng Cái Lân đã được bàn đi tính lại nhiều lần. Đến đầu tháng 10 – 2014, các bên liên quan mới chốt được phương án di dời và xử lý. 

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện 2 container máy biến thế có chứa PCB vẫn nằm ở Cảng Cái Lân và được bảo quản trong điều kiện tốt, theo tiêu chuẩn quốc tế. “Chúng tôi đã thống nhất sẽ chuyển lô hàng này về Kiên Giang để xử lý. Hiện chủ lô hàng là Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long đã ký hợp đồng với Công ty Holcim - đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể xử lý được chất độc PCB. Lô hàng dự kiến sẽ được chuyển đi trong một vài ngày tới”, ông Tùng khẳng định. 

Xử lý như thế nào?

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các bên liên quan đã thống nhất xử lý 7.000 lít dầu biến thế trước, thân máy biến thế xử lý sau. Theo đó, 7.000 lít dầu sẽ được vận chuyển hơn 2.000km đến Nhà máy xi măng ở tỉnh Kiên Giang để tiêu hủy. 

Đơn vị nhận xử lý lượng dầu chứa PCB cho biết, sẽ sử dụng lò nung xi măng để tiêu hủy. Lò nung cung cấp môi trường nhiệt độ lên đến 2.000°C với thời gian lưu cháy dài, cho phép tiêu hủy hoàn toàn các hợp chất phức tạp, không phát sinh chất thải thứ cấp, đồng thời còn được trang bị hệ thống giám sát phát thải vận hành liên tục trong quá trình xử lý. Phần vỏ máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB sẽ được đóng gói và vận chuyển sang Hà Lan để đối tác nước ngoài có kinh nghiệm xử lý. 

Công ty này cho biết thêm, tùy thuộc vào đặc tính và mức độ nguy hại của chất thải mà quy trình xử lý sẽ khác nhau, do đó chi phí xử lý sẽ khác nhau. Đối với dầu thải nhiễm PCB, chi phí xử lý còn phụ thuộc vào nồng độ PCB trong dầu, mức giá dao động từ 44 - 300 triệu đồng/tấn. Phần thiết bị sau khi được tháo hết dầu nhiễm PCB, do đối tác nước ngoài xử lý cơ bản ở mức 3-5 USD/kg. Về kinh phí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Hoàng Dương Tùng khẳng định: “Đây là hợp đồng giữa hai đơn vị nên không có nguồn kinh phí của Nhà nước. Về phương án vận chuyển, Công ty Holcim đã được cấp phép nên có khả năng đầy đủ để đảm bảo việc vận chuyển an toàn. Tổng cục Môi trường sẽ theo dõi, tư vấn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về phương án bảo quản, di chuyển”.