Chống thất nghiệp tại một vùng hoa
(ANTĐ) - “Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu” thành ngữ một thời dùng để nói về sự khó khăn của một vùng đất thuần nông Tây Tựu. Nhưng hiện nay, nhờ trồng hoa Tây Tựu đã phát triển trở thành một mảnh đất giàu có, thu hút hàng trăm lao động mỗi ngày. 3 chợ lao động: cầu Đăm 1, cầu Đăm 2 và khu vực chợ Cổng Nền họp đều đặn từ 5-7h sáng đã mang lại công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân các vùng lân cận.
5h sáng, khu vực cầu Đăm (xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội) đã đông chật “người bán, kẻ mua”. Chợ chẳng có hàng hóa gì, chỉ có người với người. Người ta đến chợ chỉ để mua - bán sức lao động. Cũng hình thành một cách tự phát nhưng chợ lao động tại xã Tây Tựu có sự quản lý của chính quyền, công an xã nên hoạt động rất quy củ.
Tây Tựu nổi tiếng là một vùng trồng hoa lớn nhất Hà Nội, từ 18ha năm 1994 thì nay đã lên tới hơn 300ha, chiếm 84,6% diện tích canh tác toàn xã. Cả xã có 2.700 hộ dân thì có tới 95% số hộ tham gia trồng hoa. Mấy năm nay, Tây Tựu đã nâng doanh thu từ 10 tỷ lên hơn 40 tỷ đồng với mức tăng trưởng bình quân 80%/năm.
Vì thế công việc nhà nông rất nhiều và không thể thay thế bằng bất kỳ loại máy móc nào: phun thuốc, nhặt cỏ, tưới bón, cuốc xới, bọc hoa, tỉa cành... Thuê lao động là giải pháp tối ưu. Có cầu ắt có cung, hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động nữ ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh... và các huyện lân cận đã tụ họp về đây thành những chợ lao động vô cùng nhộn nhịp. Công việc nhà nông thường bắt đầu sớm nên chỉ sau một tiếng, chợ đã gần như vãn.
Chị Nguyễn Thị Loan, quê ở Quốc Oai đã về đây làm được gần một năm. Chị cho biết, công việc đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được mà thu nhập lại ổn định: làm cỏ, tỉa cành, tỉa nhánh, tỉa nụ, chụp bông thì 70.000 đồng/ngày; trồng cây: 100.000 đồng/ngày, cao cấp hơn như ghép cành từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Đi làm đều, mỗi tháng chị cũng có thu nhập trên 2 triệu đồng mà không mất một chi phí môi giới nào. Theo chân chị Loan, các chị em trong làng nhiều người cũng lên làng hoa Tây Tựu để làm việc. Theo ông Nguyễn Phan Đoán, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu: Khi thấy ngày càng có nhiều lao động tìm về Tây Tựu tìm việc, đứng tụ tập gây cản trở giao thông, chính quyền xã đã tổ chức lực lượng công an xã, dân phòng và các trưởng thôn sắp xếp cho lao động tập trung tại 3 điểm cố định ở 3 thôn.
Đồng thời hàng ngày xuất hiện nhắc nhở, tiếp xúc với bà con để nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự. Nhưng hầu hết những lao động tại chợ đều là những người nông dân chân chất, nên chưa có vụ việc gì xảy ra trên địa bàn liên quan đến đội quân lao động này. ở Tây Tựu chỉ có lười mới thất nghiệp chứ đi làm một ngày quanh xã lấy công từ 70.000 - 100.000 đồng là quá đơn giản.
Việc nhiều, người lao động ở nhiều nơi đến tìm việc ở Tây Tựu đã thành nếp. Từ chỗ chỉ là việc làm thêm lúc nông nhàn, đến nay “chợ” thu hút hàng trăm nhân lực mỗi ngày, trong đó nhiều người coi đây là nghề chính để mưu sinh.
Mỗi ngày, nhu cầu về hoa của người dân Hà Nội càng nhiều, làng hoa Tây Tựu vì thế cũng ngày một khởi sắc. Sự giàu có, ấm no của Tây Tựu có thể nhìn thấy rõ qua những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người dân có nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ thế còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tỉnh ngoài.
Tuy không diễn ra như qui mô của các sàn giao dịch việc làm được tổ chức ở thành phố nhưng cũng đã khẳng định một xu hướng mới, một cơ hội mới cho lao động nông nghiệp ở vùng ven đô Hà Nội. Trong khi có không ít làng hoa truyền thống ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ suy tàn như Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá… thì Tây Tựu vẫn vươn lên và tỏa sáng.
Minh Hương