Chống quấy rối tình dục: Phải đảm bảo thực chất, tránh hình thức

ANTĐ - Bên hành lang Quốc hội sáng 28-5, ĐBQH Dương Trung Quốc – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội, bày tỏ quan điểm xung quanh “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc” vừa công bố.

- Bộ quy tắc ứng xử về QRTD vừa được công bố đã nhận được ý kiến trái chiều. Nhiều người e ngại tính khả thi khi xử lý hành vi vi phạm trong thực tiễn vì theo Bộ LĐ,TB&XH, bộ quy tắc này chỉ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham khảo chứ không mang tính bắt buộc...

- Từ Bộ quy tắc này, các đơn vị đưa ra quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị mình, giống như làng xã có hương ước. Đó cũng là một cách hay, ít nhất là nhắc về một hiện tượng có thực để mọi người quan tâm đến. Còn về xử lý vi phạm, từ những quy tắc ứng xử này sẽ được đưa vào chế tài do pháp luật quy định. Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất là giáo dục ý thức của cộng đồng, nhất là làm sao cho người phụ nữ ý thức được quyền của mình và có sự phản ứng thích hợp.

Chống quấy rối tình dục: Phải đảm bảo thực chất, tránh hình thức ảnh 1

- Trong Bộ quy tắc, một số hành vi như ánh nhìn gợi tình, mời đi chơi, kể chuyện cười... bị coi là QRTD. Ông nghĩ sao về những quy định có phần quá chi tiết này? 

- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghĩa là đi vào lĩnh vực tâm lý xã hội. Đây là vấn đề khó, phải đảm bảo tính thực chất, tránh hình thức và phải phù hợp với văn hóa của người Việt. Theo quan điểm của tôi, việc quy định chi tiết có thể dựa vào những điều nước ngoài đã làm nhưng ở Việt Nam cần quan tâm đến yếu tố tập quán văn hóa. Đừng đưa ra quy định quá chi tiết, bởi quy định càng chi tiết thì càng thiếu, đồng thời dẫn đến những cái không chính xác, ngộ nhận.

- Ông nghĩ sao về sự ra đời của “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD nơi làm việc” và việc cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân?

- Cần phải thừa nhận, QRTD nơi làm việc là hiện tượng đã tồn tại từ lâu. Việc ứng xử với QRTD như một đòi hỏi tất yếu của xã hội. Thế giới ngày càng quan tâm giải quyết tình trạng này. Với Việt Nam, việc ra đời Bộ quy tắc ứng xử này rất đáng hoan nghênh, nhất là ở cộng đồng có lao động nữ vì tình trạng QRTD thường xuyên xảy ra. Việc lấy ý kiến người dân trước khi thông qua là việc làm cần thiết. Đây cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả về bộ quy tắc này. Trong quá trình triển khai nếu phát sinh điểm bất hợp lý thì điều chỉnh lại.

- Xin cảm ơn ông!