Chống nạn bạo hành nhân viên y tế: Cần cả cộng đồng chung tay, vào cuộc

ANTD.VN - Năm 2018 chưa đi qua hết tháng thứ hai nhưng đã có gần chục vụ bạo hành nhân viên y tế được ghi nhận trên cả nước. Mới đây nhất, vụ 2 bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái bị người nhà bệnh nhân đánh chảy máu đầu, một lần nữa khiến những người làm nghề y ám ảnh, kinh hoàng…

Một trong hai bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị hành hung gây chảy máu đầu, được đồng nghiệp chăm sóc vết thương

Tăng cường bảo vệ, lắp thêm camara vẫn không ăn thua

Trong một bài phát biểu trước báo chí vào cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chua xót thốt lên rằng: “Ngành y tế đang gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung bác sĩ”, dù ngành đã triển khai rất nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng nhân viên y tế không những không giảm mà còn gia tăng.

Hàng loạt chỉ đạo, giải pháp được ngành y tế, các bệnh viện triển khai mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, song 2 tháng đầu tiên của năm 2018, tình trạng không hề có dấu hiệu cải thiện. Đầu tiên là vụ bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Lâm Đồng trong lúc đang khâu vết thương cho bệnh nhân bỗng bị một thanh niên xông vào đánh, làm thủng màng nhĩ. Tiếp đến một điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thế (Bắc Giang) bị hành hung, phải nằm viện.

Mới đây nhất, 11h40 ngày 20-2 (tức mùng 5 Tết), sau khi kết thúc thành công ca mổ đẻ cho sản phụ Quách Thị Phương Th (25 tuổi, quê ở Lào Cai), hai bác sĩ là Phạm Hải Ninh (khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức) và Hoàng Đức Trung (khoa Sản) củ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái đã bị chồng của sản phụ này là Lê Hồng Nam cùng một số đối tượng tấn công, gây thương tích vùng đầu, mặt, máu chảy nhiều, phải đưa đi cấp cứu.

Đáng chú ý, Bệnh viện đã gọi bảo vệ đến can thiệp, nhưng nhóm người nhà bệnh nhân tiếp tục đuổi đánh cả bảo vệ bệnh viện. Chia sẻ với báo chí, một vị lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bất lực kể: “Thời điểm xảy ra sự việc có rất nhiều người nhà bệnh nhân cùng tới xem. Lúc xảy ra sự việc, chúng tôi cũng không dám phản ứng gì vì lúc ấy chỉ cần có một người động thủ rất có thể có án mạng xảy ra. Bởi các đối tượng rất manh động và còn trẻ tuổi...”.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND và Công an tỉnh Yên Bái đề nghị điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với những người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái cũng đã ra thông báo truy tìm đối tượng Lê Hồng Nam - được xác định là người chủ mưu liên quan đến vụ cố ý gây thương tích kể trên.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng không hiệu quả. Trước nạn hành hung nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Tiến cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần có lực lượng Công an “cắm chốt” tại bệnh viện vì nếu chỉ riêng bảo vệ bệnh viện thôi thì chưa đủ.

Từ thực tiễn công tác ở cơ sở, TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, đồng thời phối hợp với công an phường, cảnh sát giao thông tăng cường an ninh khu vực ngoài bệnh viện. Dù vậy, việc tăng cường này cũng không thể bảo đảm chắc chắn việc loại bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trong môi trường y tế mà chỉ có thể hạn chế.

Số vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế đang có chiều hướng gia tăng

Xử phạt chưa đủ sức răn đe

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân có quy định “nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ". Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế.

Năm 2017, Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua, đã bổ sung tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đề nghị xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019), trong đó có đề xuất: Người hành nghề có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh, nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, người hành nghề được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.

Tại dự thảo Luật này, Bộ Y tế mong muốn đề xuất quy định: trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, mọi quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đều phải hướng tới quyền lợi cao nhất của người bệnh. Còn với những hành vi gây rối, bạo hành thầy thuốc, ngoài việc nghiêm trị còn phải xem xét tới hậu quả của việc đó với những bệnh nhân khác.

“Ví dụ như trường hợp hành hung dã man hai bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái, không chỉ các bác sĩ này bị tổn thương mà vụ hành hung còn khiến hàng chục bệnh nhân khác phải hoãn ca mổ do thầy thuốc bị thương tích, không còn đủ sức khỏe và sự bình tĩnh để thực hiện tiếp ca mổ” – bác sĩ Cấp phân tích.

Còn theo TS Dương Đức Hùng, mong muốn của mọi nhân viên y tế chính là được làm việc dưới sự bảo vệ của pháp luật một cách nghiêm minh thì mới yên tâm làm việc được. Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế thời gian qua, số đối tượng bị xử lý hình sự còn quá hiếm hoi. Vì thế, tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật chưa thể hiện rõ.

Vẫn theo ông Dương Đức Hùng, nguồn gốc của vấn đề là nhận thức về quan hệ giữa người với người. Do đó muốn thay đổi đòi hỏi phải thay đổi từ gốc, đòi hỏi toàn bộ xã hội phải vào cuộc chứ không riêng gì ngành y tế hay công an.