Chống lạm dụng quỹ BHYT
(ANTĐ) -Từ 1-7-2009, mức phí đóng BHYT tối đa từ 3% hiện nay sẽ tăng lên 6% theo tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp. Quyết định tăng phí này nhằm giải quyết tình trạng “vỡ quỹ” BHYT. Vấn đề đặt ra là khi tăng phí trần, tình trạng quỹ “âm” như hiện nay có giải quyết được?
Hơn nữa, tăng mức phí có tỷ lệ thuận với quyền lợi chính đáng mà người tham gia được hưởng từ BHYT hay không? Trên thực tế, tình trạng vỡ quỹ BHYT “âm” kéo dài ngoài nguyên nhân từ phí tham gia thấp, một nguyên nhân quan trọng không kém là tình trạng lạm dụng quỹ.
Hiện nay, tiền chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT được áp dụng phương thức thanh toán theo đầu vào phí dịch vụ, nghĩa là sau khi bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế nằm trong danh mục được BHYT chi trả, toàn bộ chi phí dịch vụ đó sẽ được BV thống kê, chuyển cho cơ quan BHXH xuất tiền chi trả.
Quá trình thực hiện cho thấy, phương thức thanh toán này dễ nảy sinh tình trạng lạm dụng quỹ, bởi việc chữa trị cho bệnh nhân thì phải tiến hành ngay trong khi tiền từ BHXH cần phải đợi thời gian xét duyệt, từ đó dễ khiến phía cơ sở KCB không hứng thú với các trường hợp khám chữa theo BHYT; trong khi đó chính phía cơ quan BHXH nhiều khi cũng không thể kiểm soát được chính xác số tiền cần chi trả cho bệnh nhân BHYT...
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho rằng, để chống lạm dụng quỹ BHYT cần có phương thức thanh toán tiên tiến hơn. Thời gian tới sẽ tăng cường phương thức thanh toán trọn gói, chẩn đoán, tăng cường tính chịu trách nhiệm của cơ sở.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương thức thanh toán này cần có những tính toán cụ thể xem các nhóm bệnh nào có thể áp dụng được mà việc tính toán thì hiện vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. Hơn nữa, chúng ta lại chưa thống nhất được cách tính phí trọn gói như thế nào: Phía cơ sở KCB tính cả tiền lương, tiền công, tiền khấu hao còn phía BHXH thì chỉ tính phần chi phí trực tiếp theo viện phí... do đó theo ông Sơn, trong vòng 5-10 năm tới có thực hiện thành công phương thức thanh toán trên cũng đã là đốt cháy giai đoạn.
Một giải pháp chống lạm dụng nữa cần thực hiện càng sớm càng tốt, đó là xây dựng đội ngũ giám định viên, quy trình giám định việc thực hiện BHYT nhằm đảm bảo dịch vụ y tế cung cấp cho người bệnh là đích thực, hợp lý, đến được tay người bệnh, không bị lạm dụng cũng như đảm bảo đủ khả năng thu hồi nguồn tài chính của các cơ sở KCB bỏ ra…
Theo tính toán, mỗi bệnh viện cần 2 giám định viên, nhưng hiện nay số lượng giám định viên của cơ quan BHXH mới đáp ứng được khoảng một nửa, chất lượng lại yếu.
Duy Tiến