- Sét đánh hỏng 1 đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất
- Tuần này, Quốc hội dự kiến thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành
- Không để hành khách đi máy bay bị mất cắp hành lý
Phương án 1, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 cùng các công trình kỹ thuật như nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, đường lăn và các công trình phụ trợ ở phía Nam của Cảng Nội Bài, đảm bảo tổng công suất thông qua cảng đạt 50 triệu hành khách/năm. Ước tính tổng mức đầu tư 75.987 tỷ đồng trong đó, riêng tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) lên tới gần 40.800 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng không, phương án này tuy phù hợp với quy hoạch tổng thể của sân bay Nội Bài, phù hợp quy hoạch xây dựng của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng kinh phí GPMB quá lớn.
Bên cạnh đó, sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, vấn đề an sinh xã hội, di dời khó khăn vì phải quy hoạch khu tái định cư, cơ sở hạ tầng cho gần 4.500 hộ dân/22.300 nhân khẩu. Ngoài ra, còn phải di chuyển một số di tích lịch sử.
Phương án 2, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc và khu vực nhà ga, sân đỗ tàu bay đồng bộ ở phía Tây của Cảng Nội Bài. Tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 38.802 tỷ đồng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, phương án này kinh phí GPMB chỉ hơn 11.000 tỷ đồng. Hơn nữa, đất cần GPMB chủ yếu tập trung ở khu vực quân sự và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, phương án này lại không phù hợp với quy hoạch tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Phương án 3, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 ở phía Bắc, nhưng các công trình phụ trợ như nhà ga hành khách, đường giao thông kết nối, đài chỉ huy phải bố trí phân tán, khó khăn trong việc thiết kế giao thông kết nối cũng như không thuận tiện trong hoạt động khai thác và cũng không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.
“Phương án 2 là phương án tối ưu để xây dựng đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.