Chọn những người ưu tú nhất chèo lái đất nước

ANTĐ - “Chúng ta lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm và xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là vấn đề cốt tử. Chúng ta phải giải quyết tốt cả 2 yêu cầu này mới có thể tạo ra đột phá mới trên chặng đường phát triển sắp tới”. Đó là ý kiến của ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ ngày 20-1.

Chọn những người ưu tú nhất chèo lái đất nước  ảnh 1Đường phố Hà Nội rực rỡ chào đón Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Nhiều đổi mới rất tiến bộ

Chọn những người ưu tú nhất chèo lái đất nước  ảnh 2

- PV: Qua 30 năm đổi mới, ông ấn tượng nhất với thành tựu nào mà đất nước ta đã đạt được?

- Ông Lê Quang Thưởng: Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, chúng ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, giàu đẹp. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, chúng ta vẫn còn có hạn chế, khuyết điểm. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao song theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong vùng trũng suy giảm. Thực tế, mức tăng GDP của Việt Nam bình quân 5 năm qua vẫn thấp hơn các giai đoạn trước (bình quân 5 năm 2011-2015 chỉ đạt 5,8%, kém xa mức 7,61% của giai đoạn 2000-2006). 

Nhìn lại 30 năm đổi mới, dù đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn song rõ ràng chúng ta chưa thể hài lòng bởi còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Vì thế, Đại hội XII của Đảng phải thảo luận kỹ, đưa ra được các chủ trương, đường lối, phương hướng phát triển đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển để khắc phục những hạn chế, phát huy các thế mạnh mà chúng ta đang có.

- Nhiều ý kiến kỳ vọng Đại hội XII sẽ tạo nên dấu ấn mới, thậm chí là “đổi mới lần hai”. Ông đặt kỳ vọng gì vào Đại hội XII và theo ông, đâu là những điểm trọng yếu cần đặc biệt quan tâm tại Đại hội lần này?

- Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cho thấy, có khá nhiều đổi mới đồng bộ và toàn diện so với nhiệm kỳ Đại hội XI, từ mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế cho đến phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới, điểm đổi mới căn bản đầu tiên cần phải được bàn bạc kỹ tại Đại hội XII là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Trong đó, phải thực hiện cổ phần hóa mạnh mẽ hơn, thu hẹp đầu mối, chỉ giữ lại một số ít doanh nghiệp thực sự đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và phục vụ nhân dân; kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả nhưng vẫn cố “bám” vào Nhà nước, hệ quả là đời sống công nhân khó khăn, đóng góp cho Nhà nước không đáng kể trong khi giám đốc doanh nghiệp lại giàu to. 

Vấn đề thứ hai thể hiện bước đổi mới rất tiến bộ, đó là dự thảo văn kiện trình Đại hội XII đã nêu bật vai trò của doanh nghiệp tư nhân, coi nhóm này là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây là bước đổi mới rất cần thiết vì nhân dân có khả năng vô hạn và vấn đề là làm sao huy động được tối đa sự đóng góp của nhân dân vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Muốn vậy, phải có chính sách tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia vào phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, có chế độ hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất để khuyến khích người dân. Với một đất nước hơn 90 triệu dân mà chỉ có trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động là quá ít. 5 năm tới, phải nâng số lượng này lên nhiều lần. Cùng đó, phải có các chính sách bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng lao động.

- Chủ đề của Đại hội XII nêu “phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Ông bình luận gì về điều này?

- Đây là sự điều chỉnh cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Ở Đại hội XI, Đảng ta đưa ra phương hướng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thực tiễn trong 5 năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan rất lớn do cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới hay diễn biến phức tạp trên Biển Đông… Vì thế, đến thời điểm này, lộ trình phấn đấu đến năm 2020 là khó khả thi và chúng ta cũng không thể đốt cháy giai đoạn được. Tôi cho rằng, nhanh nhất cũng phải 10 năm nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu này.

Kỳ vọng nhân sự

- Đường lối đối ngoại, quốc phòng, an ninh luôn là những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại mỗi kỳ Đại hội Đảng. Quan điểm của ông về nội dung này?

- Đường lối đối ngoại phù hợp nhất của Việt Nam lúc này là kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ Đại hội của Đảng; tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu.

Riêng về vấn đề Biển Đông, việc kiên trì đường lối giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ chính nghĩa của cộng đồng quốc tế là đúng. Dù vậy, chúng ta cũng cần phải có các biện pháp khẩn trương, nhạy bén, kịp thời và mạnh mẽ hơn với các hành động gây hấn, xâm phạm hay đe dọa chủ quyền quốc gia. 


- Công tác nhân sự tại Đại hội là vấn đề được dư luận và nhân dân đặc biệt quan tâm, thưa ông!

- Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII đã được chuẩn bị rất sớm và cơ bản đã hoàn tất. Không chỉ cá nhân tôi mà mọi người dân đều mong muốn Đại hội XII sẽ bầu ra được một Ban Chấp hành Trung ương với những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực tốt nhất để gánh vác nhiệm vụ chèo lái đất nước trong giai đoạn mới. Lựa chọn ai sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của các đại biểu dự Đại hội. Muốn chọn ra được những cán bộ ưu tú nhất thì điều quan trọng hơn cả là công tác nhân sự nói chung, việc bỏ phiếu bầu tại Đại hội nói riêng phải được thực hiện dân chủ, minh bạch, công tâm, đúng quy trình.

- Xin cảm ơn ông!