Chới với đò ngang

(ANTĐ) - Sự cố đắm đò thương tâm đúng vào ngày 30 Tết vừa qua trên sông Gianh, xã Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình, là một cái giá quá đắt nữa cho những con đò mong manh giữa sóng to nước lớn.

Chới với đò ngang

(ANTĐ) - Sự cố đắm đò thương tâm đúng vào ngày 30 Tết vừa qua trên sông Gianh, xã Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình, là một cái giá quá đắt nữa cho những con đò mong manh giữa sóng to nước lớn.

Trên thực tế, ở rất nhiều địa phương, người dân không có sự lựa chọn nào để sang sông ngoài những chuyến đò ngang. Cầu chưa có, phà cũng không, từ bao nhiêu năm qua, những chuyến đò ngang vẫn làm nhiệm vụ chuyên chở người dân qua sông. Trong số đó, có rất nhiều đò ngang được gọi là “4 không”: Bến không đăng ký, đò không đăng kiểm, không có phao cứu sinh, và rất không an toàn.

Khó có một thống kê thật chính xác, hiện tại cả nước có bao nhiêu bến đò ngang đang hoạt động. Nhưng chắc chắn có một thực tế là mỗi ngày đều có hàng nghìn người, trong đó không ít là những học sinh vùng xa, vùng sâu đang phải qua sông đến trường học bằng phương tiện đầy rủi ro, mang tính mạng của mình giao phó cho những con đò ngang mục nát và những chủ đò liều lĩnh.

Thống kê của Cục Đường sông Việt Nam cho thấy, năm 2004 toàn quốc xảy ra 115 vụ TNGT đường thủy làm chết 215 người. Từ đầu năm 2005 đến nay đã có hàng chục nạn nhân tử nạn do đắm đò ngang. Hầu hết những tai nạn đắm đò đều cực kỳ thảm khốc, với số nạn nhân thiệt mạng có lẽ chỉ thua tai nạn hàng không.

Cũng theo Cục Đường sông Việt Nam, tại một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng…, phần lớn người chèo đò đều chưa có chứng chỉ. Tại Nghệ An, nơi có tới 114 bến đò ngang đang hoạt động thì có gần 60 người vẫn chưa có chứng chỉ. Tại Quảng Bình, trong số hơn 50 bến đò ngang đang hoạt động thì cũng chỉ 50% người điều khiển phương tiện có chứng chỉ.

Điều đáng lo lắng nhất là chính quyền các xã ven sông nơi có các bến đò ngang hầu như rất thờ ơ trước thực trạng nguy hiểm này. Chính quyền địa phương chỉ biết thu tiền từ các chủ đò, còn các điều kiện về an toàn bến bãi, phương tiện, người lái đều không hề quan tâm, phó mặc hoàn toàn cho các lực lượng chức năng.

Một động thái mới nhất sau thảm họa đắm đò trên sông Gianh, đó là Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã yêu cầu lập 2 đoàn kiểm tra thực trạng một số bến đò ngang. Theo đó, 2 đoàn kiểm tra phải bắt đầu hoạt động ngay trong hai ngày 3 và 4-2. Việc kiểm tra nhằm xóa ngay những bến không phép; dừng khai thác những phương tiện không đủ tiêu chuẩn; cảnh báo các bến và chủ đò thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vận tải đường thủy nội địa.

Đây là việc làm rất cần thiết để tránh tiếp tục xảy ra tai nạn thương tâm trên những chuyến đò ngang. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng phải tăng cường tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn giao thông đường thủy, trước hết là phải mặc áo phao khi đi đò.

Minh Hoàng