Chờ xử lý hình sự hành vi dùng chất cấm trong thực phẩm

ANTĐ - Những  vụ sai phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) liên tiếp bị phát hiện, xử lý không làm tình trạng này giảm bớt, khiến người dân luôn cảm thấy bất an, nhất là khi chế tài xử phạt các vi phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe. 

Người dân rất quan tâm việc đảm bảo an toàn thực phẩm

Lo nhất chất cấm trong rau quả

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, chưa bao giờ vấn đề ATTP nóng như bây giờ. “Tôi là người phụ trách đường dây nóng về ATTP của Sở Công Thương. Mỗi tuần chúng tôi có ít nhất 3 cuộc họp về vấn đề này. Trên mặt báo không ngày nào không có thông tin về ATTP”, ông Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận: “ATVSTP là vấn đề nóng của xã hội”. 

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, gần 766 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP của thành phố đã tiến hành kiểm tra 48.899 cơ sở; phát hiện tới 7.872 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 6.227 cơ sở, phạt tiền 2.736 cơ sở với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của thành phố đã lấy 755 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP; phát hiện 49 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Trong Tháng hành động ATTP (từ 15-4 đến 15-5-2016), các đoàn kiểm tra ATTP của Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 11.817 cơ sở, phạt tiền 987 cơ sở, số tiền phạt trên 3,3 tỷ đồng. 

Đặc biệt, một trong những mối lo thường trực hiện nay trong công tác đảm bảo ATVSTP là việc sử dụng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến thực phẩm.

Trong Tháng hành động ATTP vừa qua, với 214 mẫu thực phẩm xét nghiệm, cơ quan chức năng đã phát hiện một số mẫu thực phẩm như thịt, cá, rau, măng có tồn dư các chất cấm, dư lượng bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn. Trong đó, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Sở NN&PTNT Hà Nội đã xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở vi phạm và buộc tiêu hủy 318kg đậu Hà Lan, 12,65kg trà xanh, 50kg măng tồn dư chất vàng ô… 

Cần xử phạt nặng

Trao đổi về vấn đề này sáng 14-7, ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm thiểu, hạn chế nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như: yêu cầu các cơ sở chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi... nhưng vi phạm vẫn còn khá phổ biến.

“Các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe nên chưa ngăn chặn triệt để được các hiện tượng này. Nếu chế tài xử lý hình sự đối với đối tượng  sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm được áp dụng, vi phạm chắc chắn sẽ giảm” – ông Nguyễn Mậu Hải nhận định.

Theo ông Nguyễn Mậu Hải, trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh nông sản an toàn. Với các cửa hàng này, ngoài thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo đúng quy định pháp luật, các lực lượng chức năng còn thực hiện giám sát, thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ tổ chức truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm.

Trả lời câu hỏi về việc trên mạng xã hội đang lan truyền một số biện pháp xử lý để giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, củ, quả như ngâm vào nước gạo, nước pha giấm... ông Nguyễn Mậu Hải cho biết, chưa có tài liệu nào chứng minh giấm hay nước vo gạo có thể làm giảm nồng độ thuốc trừ sâu trên rau, củ, quả. Theo ông Hải, cách tốt nhất là ngâm rửa rau, hoa quả bằng nước sạch nhiều lần vì thuốc bảo vệ thực phẩm, chất độc sẽ hòa tan bớt ra ngoài. 

Trước lo lắng của dư luận về hiện tượng gà thải với tồn dư kháng sinh lớn từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam, ông Nguyễn Mậu Hải cho biết, để ngăn chặn, trước hết, các chốt kiểm dịch động vật cần phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra các xe tải chở gà qua biên giới hay trên các tuyến vào nội địa. Nếu chủ xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, lô hàng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy...