Chờ tết chẳng thấy tết đâu...
(ANTĐ) - Nằm ở trung tâm thành phố Việt Trì, có nhiều lợi thế về kinh doanh, nhưng ngày Tết đang đến với 97 lao động của Công ty CP Du lịch - Dịch vụ - Thương mại Phú Thọ giờ lại là những lo toan, buồn tủi . Với mức lương trên dưới 200.000 đồng/tháng khiến họ ngậm ngùi khi nói đến cái tết đang tới gần
Người lao động bức xúc trình bày với phóng viên |
Nhà chị Phạm Thị Thu Thuỷ - phường Tân Dân ( TP Việt Trì) phút chốc đã có hơn chục công nhân đến ...kêu khổ ! Đơn kiến nghị của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty gửi báo chí , các sở, ngành chức năng cho biết : Khi Công ty chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình cổ phần theo QĐ 3763/QĐ-UBND của UBND tỉnh và đi vào hoạt động theo mô hình mới (từ 1/1/2007) thì tình hình kinh doanh lại ngày càng sa sút, thua lỗ kéo dài ; việc làm và thu nhập của người lao động bấp bênh . Hiện số cán bộ nhân viên có hợp đồng lao động của Công ty là 97 người, trong đó 59 người được công ty trả lương trực tiếp, 17 người thuộc Trung tâm lữ hành và đại lý vé máy bay thực hiện chính sách khoán, 21 nhân sự còn lại (chủ yếu là người nhà và nhân viên các công ty riêng của Tổng giám đốc và Ban lãnh đạo công ty) Công ty có ký hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm ... hộ. Hợp đồng lao động tại Công ty ký theo hệ số thang bảng lương để trả và đóng BHXH, nhưng “ hợp đồng một đằng, thực tế một nẻo” do vậy từ đầu năm 2009 đến nay , lương thực lĩnh của công nhân chỉ đạt 70 - 80%. từ khi đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, người lao động mới chỉ được hưởng 1 tháng lương trọn vẹn, còn lại là thiếu lương . Đáng chú ý, từ tháng 11/2009 đến nay , các cán bộ công nhân viên chỉ nhận được từ 150.000 - 300.000 đồng/tháng lương, trong khi người lao động vẫn làm đủ công và doanh thu những tháng cuối năm của Công ty đều tăng .
Chị Phạm Thị Hợp, công nhân tổ bếp , là người có hệ số lương cao nhất của tổ bếp (3,85) , nhưng số tiền lương thực lĩnh của cả tháng 11 và tháng 12/2009 chỉ là 540.000 đồng. Trong khi công việc của tổ bếp rất nhiều , nhiều khi các chị phải đi làm từ 4h sáng, đến tận 7-8h tối dọn dẹp song mới được về nhà. “Cả tháng làm quần quật, có ngày làm cả trăm mâm cỗ mà vẫn không đủ ăn, con cái ở nhà thì nheo nhóc, không có người chăm sóc ...” - chị Hợp nói trong nước mắt .
Anh Phạm Hồng Phong, nhân viên tổ bếp bức xúc cho hay : “ Em nhiều đêm lọ mọ từ 3 -4h sáng, đến tận 8 -9 h tối mới về tới nhà mà 2 tháng qua cũng chỉ được nhận 700.000 đồng , sau khi trừ tiền BHXH, BHYT .... thực lĩnh về chưa đầy 500 ngàn...” . Trước đây , được nhận đủ lương (hệ số 3,34) cộng với hơn triệu lương vợ , tằn tiện cũng tạm đủ, nay thì quá vất. Với số lương hiện giờ , lại Tết đến… anh chị đành gửi con về TX Phú Thọ nhờ ông bà nuôi hộ. Nhớ con , nhưng biết làm sao được. Lương bố chưa đầy 500 ngàn 2 tháng, lại còn tiền thuê nhà, tiền điện nước… nhắc đến Tết , anh cười buồn !
Cũng trong tình trạng của chị Hợp, anh Phong, chị Phạm Thị Thu Thuỷ là văn thư, hành chính của công ty . Không chỉ đảm bảo công 22/31 ngày/tháng mà còn luôn phải có có mặt kể ngày giờ nào khi có việc đột xuất . Thế nhưng tiền lương chị nhận được 2 tháng 11 - 12/2009 chỉ có 430.000 đồng. Chị cho hay : Tiền tết Dương lịch đã không cho, nay tiền Tết Âm lịch cũng chưa thấy đâu. Chồng chị, bộ đội chuyển ngành về công ty nhưng sức khoẻ yếu , nghỉ việc từ tháng 1/2009 với mức lương hơn 700.000 đồng/tháng, giờ cũng đang đi làm thuê để cùng vợ nuôi con gái lớn đang học năm thứ 2 cao đẳng, đứa nhỏ đang học phổ thông. “Bao năm cống hiến cho Cty nên quyết trụ lại chờ Tổng Công ty du lịch Sài Gòn ra triển khai dự án , may thì mới khấm khá , nhưng tết này ....” - chị Thuỷ buông tiếng thở dài ! Thu nhập quá bấp bênh, cũng không thể bỏ công ty, nhiều anh chị em đã tự cứu mình bằng nhiều cách . Người tranh thủ ngày nghỉ đi làm thuê, người gửi con cái về quê, hoặc cho anh em nuôi hộ...
Hợp đồng một đằng, thực tế làm một nẻo khiến người lao động khóc dở mếu dở |
Anh Nguyễn Hoài Anh, nhân viên tổ bếp , vợ là Vũ Thị Bích Thuỷ, nhân viên nhà bàn hoàn cảnh bi đát hơn. Cùng làm 1 công ty, cùng tính chất công việc nên nhiều ngày từ 4 h sáng đã phải đem 2 con nhỏ đi gửi ông bà, đến 8 – 9h tối, khi hết khách mới đón con về. Nhưng đúng lúc khó khăn nhất khi đồng lương chỉ còn 390.000đồng/người/2 tháng , vợ anh do làm việc quá sức đã bị trật cột sống, phải đi mổ hết hơn 31 triệu đồng. Sau mổ, bác sỹ bảo phải nằm bất động ít nhất 4 tháng nũa . Tiền thuốc thang đổ hết lên suất lương hơn trăm ngàn đồng của anh. 2 đứa nhỏ đành để ông bà ngoại nuôi hộ 1 đứa, 1 đứa gửi bác nuôi. Hỏi đến tết , anh chỉ cười buồn: “Em còn đang lo chẳng biết lấy tiền đâu mua thuốc, chăm vợ chứ nói gì tới sắm tết…!
Khu tập thể của công ty là một dãy nhà cấp 4 với hơn chục phòng chật hẹp, cũ kỹ nằm ở cổng sau của khách sạn Sông Lô . Chị Hoàng Thị Hồng Nhung, nhân viên nhà bàn mở cho P.V xem thùng gạo đã cạn tới đáy , bảo: “ Giờ ai cũng phải đong gạo chịu . Lương thưởng các anh biết rồi, mỗi tháng được hơn 200 ngàn đồng thì phải trả công ty 150 ngàn tiền thuê nhà, 48 ngàn tiền điện nước. Giờ nhà nào còn đỏ lửa hai bữa là còn khá , em tết này lại về quê ăn chực bố mẹ thôi anh ạ!”.
Hiện nhiều cặp vợ chồng cùng làm ở Công ty đã phải nghỉ việc , ra làm tự do để đảm bảo cuộc sống. Nhiều người bám trụ lại vẫn phải đi làm thuê sau giờ làm để có thu nhập.
Vũ Hội