Cho phép xả trực tiếp nước thải ra... sông Hồng!?

(ANTĐ) - Những ngày gần đây có thông tin phản ánh Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) đổ bùn và nước thải thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó công ty này khẳng định, việc tập kết bùn là đúng bãi quy định và nước thải xả trực tiếp ra sông Hồng là được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cho phép xả trực tiếp nước thải ra... sông Hồng!?

* 8.000 tấn bùn thải mỗi tháng tập kết ven sông Hồng

(ANTĐ) - Những ngày gần đây có thông tin phản ánh Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) đổ bùn và nước thải thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó công ty này khẳng định, việc tập kết bùn là đúng bãi quy định và nước thải xả trực tiếp ra sông Hồng là được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công nghệ xử lý phế thải áp dụng từ năm 1998!

Việc Công ty Thoát nước Hà Nội sử dụng xe chuyên dụng chở bùn, nước thải đổ ra bãi Yên Mỹ ngoài đê sông Hồng (thuộc xã Yên Mỹ, giáp cống Yên Sở, Hoàng Mai) đã được lãnh đạo công ty xác nhận. Ngày 14-10, PV Báo An ninh Thủ đô đã trực tiếp làm việc với Công ty Thoát nước Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Lương Ngọc - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Thoát nước Hà Nội, dự án thoát nước giai đoạn 1 với bãi tập kết, xử lý bùn (đã được thành phố phê duyệt từ năm 1998) tại xã Yên Mỹ có tổng diện tích 22ha, trong đó, hiện đang sử dụng 3,5ha. “Dự án thoát nước giai đoạn 2 sẽ mở rộng bãi đổ bùn lên tới trên 65ha và sẽ triển khai thi công từ tháng 11-2008” - ông Ngọc cho biết.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về khoảng cách của bãi tập kết đến sông Hồng cũng như quy trình tập kết, xử lý, ông Ngọc cho biết, cao độ khu vực tập kết bùn với bên ngoài là 11,6m, hơn nữa từ 10 năm trở lại đây chưa bao giờ xảy ra úng ngập tại khu vực này.

Đặc biệt, khoảng cách từ bãi tập kết bùn thải của thành phố đến sông Hồng là 1,6km. Công ty đã thực hiện theo đúng quy trình của Sở GTCC Hà Nội trước đây quy định.

Theo thông tin của phóng viên An ninh Thủ đô, trung bình mỗi tháng Cty Thoát nước Hà Nội tập kết từ 7.000 - 8.000 tấn bùn tại bãi Yên Mỹ. Số bùn này đều áp dụng công nghệ xử lý tạm thời phế thải thoát nước của Sở GTCC Hà Nội trước đây (từ năm 1998) như phun EM và thuốc ruồi cho các lớp bùn và phải sử dụng máy bơm hay ô doa tưới thủ công trực tiếp lên phế thải; trong quá trình đổ bùn thải phải duy trì nơi đổ đảm bảo khô ráo, nước từ phế thải chôn lấp được thu về hố tụ nước thải và xử lý khi bơm thải ra ngoài...

Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội (đứng) giải thích với phóng viên Báo ANTĐ
Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội (đứng)
giải thích với phóng viên Báo ANTĐ

Mùa mưa có thể xả tối đa gần 4 triệu m3/ngày đêm

Để đổ bùn thải tại khu vực trên, ngày 18-8-2008, Cty Thoát nước Hà Nội đã có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội chuyển phế thải thoát nước về bãi khu C Yên Sở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2007 trở về trước, chất thải đều được tự do xả vào nhiều nơi. Đến năm 2007, Cty Thoát nước Hà Nội có đề án xin phép xả nước thải của Hà Nội ra sông Hồng. Và mới đây, ngày 28-8-2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước sông Hồng do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành ký.

Cty thoát nước Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày toàn thành phố xả nước thải ra hệ thống cống, rãnh, mương, sông chung của thành phố khoảng 500.000m3/ngày đêm. Theo đó, lưu lượng xả tối đa cho mùa khô là 450.000m3/ngày đêm; mùa mưa là 3.888.000m3/ngày đêm.

Giải thích cho câu hỏi, vì sao với khối lượng nước thải lớn như vậy của thành phố, không qua xử lý mà xả thẳng ra sông Hồng, một lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội giải thích: Giai đoạn I của dự án thoát nước Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thành phố Hà Nội (chưa mở rộng), để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải phải mất 645 triệu USD.

Và khi phối hợp với Malaysia xây dựng thí điểm nhà máy xử lý nước thải phục vụ chỉ cho 2 quận của thành phố với công suất 190.000m3/ngày đêm cũng phải chi phí xây dựng tới 230 triệu USD (chưa tính đến chi phí vận hành). “Do đó TP vẫn phải chấp nhận xả trực tiếp ra sông Hồng...” - vị lãnh đạo này khẳng định. Hơn thế, khi nước thải đổ trực tiếp ra sông Hồng trong phạm vi 200m về hạ lưu thì đã được pha loãng và đạt tiêu chuẩn loại B.

Ngày 10-10-2008, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã có Văn bản số 1022/TNHN gửi UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội báo cáo về việc “đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của nước thải Hà Nội đến chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy trong mùa khô 2008-2009, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện đóng cửa đập Thanh Liệt, đưa trạm bơm Yên Sở vào hoạt động như các mùa khô trước đây...”.

Trong khi thành phố chưa có kinh phí đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung, quy mô hiện đại thì rất cần các cơ quan chức năng phải thường xuyên quan trắc chất lượng nước thải, chất lượng nước nguồn tiếp nhận nhằm đảm bảo cho sông Hồng đúng chất lượng nước mặt. 

Tường Lâm