Công chứng tư:
Chờ mỏi mệt hành lang pháp lý
(ANTĐ) - Có thể dễ dàng nhận thấy, việc Nhà nước cho phép các văn phòng công chứng tư được thành lập và hoạt động coi như đã tìm ra lời giải cho những khúc mắc xung quanh hoạt động công chứng, nhất là tình trạng gia tăng đến chóng mặt các giao dịch dân sự cần công chứng. Tuy nhiên, kể từ 1-7-2007 đến nay, vẫn chưa có một văn phòng công chứng tư nào ra đời và câu trả lời cho câu chuyện này vẫn là vấn đề... hành lang pháp lý!
Tăng sự lựa chọn
Theo TS Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Tư pháp - Hành chính, Bộ Tư pháp, mục tiêu của xã hội hóa công chứng là phát triển rộng mạng lưới công chứng, xóa bỏ việc kiêm nhiệm chức năng công chứng của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công khi mô hình công chứng tư ra đời.
Vì thế bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống phòng công chứng Nhà nước hiện có, luật đã cho phép thành lập các văn phòng công chứng do tư nhân đầu tư về mặt kinh phí, cơ sở vật chất lẫn con người. Sự xuất hiện của các phòng công chứng tư chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể tình hình công chứng cũng như những bất cập hiện tại.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy chính là sự thuận tiện cho những người tham gia công chứng. Thay vì phải xếp hàng cả tiếng, vài tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày trời trước cửa các phòng công chứng thì người dân có thể chỉ mất một cuộc điện thoại và chi phí cao hơn một chút, công chứng viên sẽ có mặt ngay tại nhà để thực hiện các hoạt động công chứng. ở thời điểm hiện tại, mặc dù dịch vụ hành chính công đã đi vào hoạt động, nhưng với khối lượng công việc quá lớn, người dân khó lòng được tận hưởng những tiện ích đó.
Nói về những tiện ích của loại hình công chứng tư, ông Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội phân tích, khi dịch vụ công chứng tư ra đời sẽ có tác dụng tới nhiều mặt.
Về phía các phòng công chứng công, chắc chắn sẽ có những chia sẻ cùng với sự phối hợp giữa 2 loại hình dịch vụ này, qua đó người dân sẽ có thêm những sự lựa chọn cũng như những thuận lợi trong các giao dịch của mình.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện công chứng tư sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa công chứng tư và công chứng công, qua đó thúc đẩy hoạt động này phát triển theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.
Bao giờ hết cảnh phải “dài cổ” xếp hàng khi đi công chứng? |
Rủi ro: Ai chịu?
Tuy vậy, để công chứng tư thực sự làm tốt, có chất lượng và hiệu quả vẫn cần những sự điều chỉnh cần thiết. Theo quan điểm của ông Trần Văn Thanh - Trưởng phòng Đào tạo - Sở Tư pháp Hà Nội, vào thời điểm hiện tại người dân, kể cả các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế vẫn có thói quen sử dụng các dịch vụ của Nhà nước. Bên cạnh đó, khi cho phép mô hình này đi vào hoạt động, công tác quản lý Nhà nước sẽ gặp không ít khó khăn.
Hơn 95% khối lượng công việc là chứng thực bản sao Theo thống kê, cả nước hiện có 128 phòng công chứng với tổng số gần 400 công chứng viên, 173 nhân viên nghiệp vụ và 620 nhân viên khác. Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 đến 2 phòng công chứng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện mỗi nơi có 6 phòng công chứng. Khối lượng công việc của các phòng công chứng hiện tại chủ yếu là chứng thực bản sao (chiếm đến hơn 95%), trong khi bản chất và đối tượng của công chứng là các loại hợp đồng, giao dịch kinh tế, dân sự. |
Ông Thanh so sánh, hiện Hà Nội có 147 văn phòng luật sư, nhiều văn phòng khi đăng ký trụ sở ở địa điểm này, nhưng thực tế lại hoạt động ở một nơi khác. Khi công chứng tư ra đời, mà nòng cốt sẽ là các văn phòng luật sư. Điều này có nghĩa, Hà Nội có thể sẽ có vài trăm văn phòng công chứng tư, như vậy công tác quản lý Nhà nước chắc chắn không hề đơn giản.
Một tình huống được đặt ra, hậu quả pháp lý sẽ được xử lý như thế nào đối với những trường hợp công chứng sai? Các cơ quan có thẩm quyền có nên quy định những chế tài vật chất, bảo hiểm nghề nghiệp cho những phòng công chứng tư? Bảo hiểm này có thể được hiểu như quỹ dự phòng rủi ro như khi bắt buộc đối với các ngân hàng, cơ quan kinh doanh tài chính...
Ngoài ra, về tiêu chuẩn thành lập các phòng công chứng cũng cần được làm rõ và thật chặt chẽ. Hiện tại, theo NĐ 75/CP của Chính phủ quy định về vấn đề công chứng, hộ tịch, muốn thành lập một phòng công chứng cần ít nhất 3 công chứng viên, nhưng nếu ở công chứng tư chỉ cần 1 công chứng viên e rằng sẽ không đảm bảo tốt chất lượng công việc, bởi sự trao đổi về nghiệp vụ sẽ rất hạn chế khi văn phòng công chứng gặp phải những hồ sơ phức tạp...
Vẫn chờ... hướng dẫn
Chiều 8-1, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Thạc sỹ Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, mặc dù Luật Công chứng đã có hiệu lực từ 1-7-2007, theo đó cho phép các phòng công chứng tư được thành lập và hoạt động, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa có bất cứ phòng công chứng tư nào.
Giải thích về thực tế trên, ông Phương cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn là những trở ngại từ hành lang pháp lý. Mặc dù Luật đã cho, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành, do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể cấp phép và cũng không biết căn cứ vào những tiêu chí nào để cấp phép, ví dụ như bao nhiêu công chứng viên cho 1 văn phòng, phòng công chứng, trụ sở, tài khoản, các cam kết khác như thế nào...?
Bảo Thắng - Hoàng Linh