Chờ đợi chuyển biến chiều sâu

ANTĐ - Nhìn lại 6 năm phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bước đầu có thể ghi nhận những chuyển biến gì từ suy nghĩ đến hành động của cả xã hội, nhất là người tiêu dùng trong nước? 

Đây không phải là một khẩu hiệu suông, hô hào và cổ vũ chiếu lệ, mà là một chủ trương rất cần thiết, khi nền kinh tế Việt Nam, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ bước vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm nay, một cuộc cạnh tranh khu vực khốc liệt. Nếu không tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế, hạn chế yếu kém và tác động bất lợi thì khả năng thua ngay trên sân nhà, để hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường là khó tránh khỏi.

Khoảng thời gian 6 năm là dài hay ngắn đối với một cuộc vận động lớn, hoàn toàn tùy thuộc vào sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư duy và hành động không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, về tâm thế của người dân mà còn nhìn vào những giải pháp, cơ chế cụ thể. Từ khi khởi động cho tới nay, phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong nước, nhất là người tiêu dùng.

Không thụ động trước những “cơn lũ” hàng ngoại nhập, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng từ dệt may, da giày, hàng điện tử, cơ khí trước kia chỉ chăm chăm hướng tới xuất khẩu thu ngoại tệ, đã quay trở lại thị trường nội địa, chăm sóc khách hàng Việt. 

Cùng với đó, hàng loạt hội chợ hàng Việt được mở ra ở Hà Nội, TP.HCM cũng như các đô thị đã thu hút sức mua của người dân. Hàng Việt còn được đưa tới tay người lao động trong các khu công nghiệp và được chuyển về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Điều đáng mừng là trong các siêu  thị, trung tâm thương mại hoành tráng, hàng hóa “Made in VietNam” không chỉ xếp cạnh hàng Thái, Hàn Quốc... mà còn áp đảo, có nơi chiếm tới 70-80%. 

Từ chỗ thờ ơ với hàng nội, người Việt đang dần “yêu” trở lại, lấy lại niềm tin. Trước đây, từng có những nhận định rằng, người Việt vốn sính hàng ngoại, một thói quen cố hữu rất khó thay đổi. Vì thế, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không dễ gì gặt hái được thành công, ngay cả khi khơi dậy tinh thần tự hào, yêu nước.

Nhưng thực tế cho thấy, chính doanh nghiệp trong nước quay lưng với người tiêu dùng khi chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa bị lép vế, yếu thế khi đặt cạnh hàng nhập ngoại. Còn khi doanh nghiệp tận tâm chăm sóc khách hàng Việt, chất lượng và giá thành sản phẩm Việt cạnh tranh được ngang bằng hoặc cao hơn những mặt hàng cùng loại của một số nước trong khu vực, thì tự khắc người Việt sẽ muốn dùng hàng Việt. Không thể đổ lỗi cho người dân.

Chưa thể vội mừng và yên tâm trước xu hướng có khả năng thắng thế “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là khi mọi hàng rào hội nhập sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Cuộc vận động này mới diễn ra trong 6 năm, theo ý kiến của một số chuyên gia thị trường, một số thành quả ban đầu mới chỉ ở bề nổi.

Chuyển biến chiều sâu phải được “đánh động” chuyển mạnh từ chính các cơ quan, chính quyền trong việc ưu tiên dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước. Đã có những cam kết giữa các doanh nghiệp, công ty ưu tiên dùng hàng hóa của nhau để “làm gương” cho người dân. Hội nhập là không còn đường lùi với hàng hóa Việt Nam, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cả nền kinh tế.