Chớ “bỏ quên” dân doanh!

(ANTĐ) - Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa trở lại trạng thái ổn định, dường như mọi sự quan tâm, đều đổ dồn vào khu vực kinh tế Nhà nước, nơi nắm giữ phần lớn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, nắm chắc các ngành kinh tế then chốt có khả năng kéo nền kinh tế ổn định sau đợt “triều cường” lạm phát. Cũng phải thôi, đấy là “chân móng, cột cái” của bộ khung kinh tế. Lẽ đương nhiên, khối doanh nghiệp dân doanh sẽ bị xao nhãng.

Chớ “bỏ quên” dân doanh!

(ANTĐ) - Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa trở lại trạng thái ổn định, dường như mọi sự quan tâm, đều đổ dồn vào khu vực kinh tế Nhà nước, nơi nắm giữ phần lớn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, nắm chắc các ngành kinh tế then chốt có khả năng kéo nền kinh tế ổn định sau đợt “triều cường” lạm phát. Cũng phải thôi, đấy là “chân móng, cột cái” của bộ khung kinh tế. Lẽ đương nhiên, khối doanh nghiệp dân doanh sẽ bị xao nhãng.

Thực tế đã và đang chứng minh rất thuyết phục rằng, khối dân doanh lại tỏ ra năng động hơn, làm ra  41,3% GDP, giải quyết tới 80% công ăn việc làm cho xã hội. Vậy mà họ đang bị “bỏ quên” trong các chính sách về tín dụng, ngân hàng, mặt bằng sản xuất.

Tiền đồng khan hiếm, mua ngoại tệ cũng không dễ gì vì còn ưu tiên phục vụ cho các doanh nghiệp “con đẻ” của Nhà nước, thế nên vốn cho dân doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tất phải nhỏ giọt. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định rằng, trong điều kiện kinh doanh tốt, lợi nhuận trung bình đạt 8-12%, nhưng lãi suất ngân hàng đã lên đến 21%/năm.

Nếu Ngân hàng Nhà nước để hiện tượng chạy đua lãi suất tiếp tục diễn ra thì các dân doanh còn phải gánh thêm nhiều loại phí cho vay. Ai cũng hiểu yếu tố lạm phát và chống lạm phát chưa phát huy hết tác dụng, cần phải có thời gian để “ngấm”.

Song khi mà mặt bằng lãi suất lên quá cao sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền: doanh nghiệp không vay được vốn hoặc phải chịu lãi suất cao, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Khi đó, sức mua sẽ giảm, ảnh hưởng xấu đến doanh thu, doanh nghiệp khó trả được nợ và chỉ còn nước là đóng cửa.

Đặc biệt đáng lo ngại là, theo báo cáo của Phòng Thương mại – công nghiệp Việt Nam, một xu hướng xấu đã xuất hiện về sự giảm sút số lượng doanh nghiệp nhỏ trong các ngành xây dựng, dệt may, chế biến thực phẩm, du lịch.

Trong khi khu vực kinh tế dân doanh lại là “sân sau” giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dôi dư, thất nghiệp do quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nếu không có “chỗ chứa” số lượng đông đúc người lao động “nửa đường, đứt gánh”, thì tình trạng thất nghiệp sẽ đè nặng lên toàn xã hội.

Theo báo cáo thường niên năm 2007 và nửa đầu năm 2008, trong ngành du lịch đã có 50% doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liền; các ngành dệt may, xây dựng, dịch vụ cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ cao.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân phát triển lên quy mô lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động.

Nguyên nhân cơ bản là do việc tiếp cận các nguồn tín dụng, đất đai, khai thác tài nguyên… chủ yếu “ưu ái” cho doanh nghiệp Nhà nước. Bởi thế lực lượng kinh tế dân doanh càng yếu thế và lép vế trong cuộc cạnh tranh với các “ông lớn”.

Chỉ nhìn vào con số “hùng hậu”: trên 182.000 doanh nghiệp dân doanh, 18.500 hợp tác xã, 30.000 tổ hợp tác, chưa kể 3 triệu hộ kinh doanh… đã chiếm đến 41,3% GDP cả nước cũng đủ thấy khu vực kinh tế quan trọng này không thể tiếp tục bị “bỏ quên”.

Đan Thanh