Bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động xuất khẩu:

Chính sách ưu việt nhưng khó thực hiện

ANTĐ - Cho dù cơ quan chức năng khẳng định, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách có lợi cho người lao động xuất khẩu, nhưng người lao động bày tỏ băn khoăn khi phải đóng BHXH đến 2 lần, còn doanh nghiệp vẫn lúng túng trong thực hiện.

Chính sách ưu việt nhưng khó thực hiện ảnh 1

Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài lo “gánh nặng” chi phí gia tăng vì BHXH bắt buộc

Lo lắng phải đóng bảo hiểm 2 lần

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1 quy định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, bất kể trước đó đã tham gia hay chưa. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, trên thực tế người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đã phải đóng BHXH ngắn hạn tại nước sở tại. Khi tham gia BHXH ở nước ngoài, họ cũng đã được hưởng những chế độ BHXH theo luật của nước sở tại, nay phải đóng thêm BHXH trong nước để được hưởng thêm quyền lợi về sau.

Tuy nhiên, cụ thể cơ chế đóng - hưởng như thế nào vẫn chưa rõ. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn là nông dân. Việc đi xuất khẩu lao động là để họ thoát nghèo, do vậy, gia tăng bất kỳ chi phí nào cũng sẽ là “gánh nặng” cho người lao động. 

Theo bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), quy định đóng BHXH đối với lao động xuất khẩu đã được thực hiện từ năm 2006. Luật BHXH năm 2014 mở rộng thêm và áp dụng với tất cả lao động, dù người lao động trước đó chưa đóng BHXH nhưng khi làm việc ở nước ngoài đều thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Từ 1-1, hàng tháng người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH ở mức 22% của 2 lần lương cơ sở (khoảng 500 nghìn đồng/tháng), mức chi phí này không phải quá lớn.

Thiếu cơ chế ràng buộc

Cũng theo bà Trần Thị Thúy Nga, những quy định cũ của pháp luật về BHXH vẫn tồn tại khoảng trống với lao động làm việc ở nước ngoài, dẫn đến trường hợp người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài hơn chục năm, về nước thì gần hết tuổi lao động, không còn đủ thời gian làm việc để hưởng lương hưu. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc sẽ đảm bảo lợi ích của người lao động.

Khi trở về, người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức phù hợp với khả năng để khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Trường hợp, nếu về nước mà người lao động không muốn và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì họ có thể nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, đây mới chỉ là trên lý thuyết, còn trên thực tế vẫn còn một khoảng cách.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, mục đóng BHXH vẫn chưa phải là bắt buộc. Cho dù có cụ thể hóa thì cũng không có cơ chế quản lý doanh nghiệp và người lao động. Vì Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định nào cấm người lao động nếu không đóng thì không được đi. 

100.000 lao động sẽ đi làm việc ở nước ngoài năm 2016
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2015, cả nước có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 122% so với kế hoạch năm và bằng 108,5% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2014. Cục Quản lý lao động ngoài nước dự kiến năm 2016 sẽ đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.