Sửa Luật Đất đai 2003:
Chính phủ sẽ không quy định khung giá đất
(ANTĐ) - Ngày 29-7, trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, ông Bùi Ngọc Tuân - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sắp tới, sẽ có những điều chỉnh sâu rộng về chính sách tài chính đất đai. Theo đó, Chính phủ sẽ không quy định khung giá đất như hiện nay mà giao cho các địa phương toàn quyền quyết định.
- Thưa ông, vì sao khi điều chỉnh điều 56 - Luật Đất đai (quy định về giá đất) lại bỏ quy định Chính phủ quy định khung giá đất?
- Sau gần 5 năm triển khai, chúng ta đã phát hiện nhiều điểm hạn chế của khung giá đất. Có thể nói là khung giá đất mà Chính phủ ban hành không theo kịp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. UBND các tỉnh, thành phố ban hành khung giá đất hàng năm, nhưng theo tổng kết của Bộ Tài chính, mức giá mà tỉnh ban hành khung giá cao nhất chỉ đạt 60% so với giá thị trường, tỉnh thấp nhất là 30% giá thị trường.
Cho nên đã có rất nhiều khiếu nại về đất đai xảy ra, tập trung chủ yếu là giá đất bồi thường GPMB. Thêm vào đó, có những dự án đền bù cho người nông dân chỉ 130 nghìn đồng/m2 đất, nhưng sau đó chủ đầu tư đã bán tới 43 triệu đồng/m2 đất.
Đầu vào theo giá Nhà nước, đầu ra lại theo giá thị trường và khoản chênh lệch đó Nhà nước và người nông dân bị thu hồi đất đều không được hưởng lợi. Theo quy định thì từ 1-1 hàng năm, các địa phương phải ban hành khung giá đất nên từ tháng 7 trở đi, các ngành phải ngồi lại với nhau để họp bàn khung giá đất cho năm tiếp theo.
Người dân, doanh nghiệp sẽ được lợi nếu địa phương tự quy định giá đất? |
Cũng từ thời điểm đó trở đi, các dự án rất khó thu hồi được đất, vì người dân muốn chờ đợi, kéo dài đến thời điểm ban hành khung giá đất mới nhằm hưởng mức giá bồi thường cao hơn. Đó là những nghịch lý cần phải được tháo gỡ, giải quyết. Trên thế giới, không có nước nào Chính phủ ban hành khung giá đất.
Do vậy, trong dự án luật đưa ra phương án bãi bỏ khung giá đất, Chính phủ chỉ ban hành quy phạm, quy trình xác định khung giá đất và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố xây dựng khung giá đất, quy định ổn định trong vòng 5 năm.
- Nhưng tại sao lại chọn là 5 năm chứ không phải là 2 hay 3 năm, thưa ông?
Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sắp tới, sẽ bỏ khung giá đất do Chính phủ quy định và giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh xây dựng giá các loại đất ở địa phương theo kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Theo luật hiện hành, sau khi Chính phủ ban hành khung giá và phương pháp xác định giá đất, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất cụ thể, ban hành và công bố 1 năm 1 lần vào ngày 1-1 hàng năm. |
- Xem xét các nước trên thế giới, nước thì 6 năm, nước thì 3 năm. Song ở ta, chu kỳ 5 năm phù hợp với xây dựng kế hoạch, như kế hoạch một kỳ của HĐND hay UBND, một kỳ kế hoạch sử dụng đất hay một kỳ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
5 năm cũng tương đương với một kỳ ngân sách. Rõ ràng, chu kỳ 5 năm trùng hợp với nhiều quy định của pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai nên chúng tôi mới đề xuất xây dựng giá đất ổn định trong 5 năm.
- Trong bối cảnh giá cả biến động mạnh như hiện nay, nếu để 5 năm mới điều chỉnh thì hóa ra Nhà nước quá thiệt thòi?
- Giá đất này chỉ áp dụng trong 4 trường hợp. Đó là căn cứ để tính các loại thuế, lệ phí về đất, tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Theo khảo sát của chúng tôi, một số nước vẫn đang áp dụng giá từ những năm 1970 để tính thuế đất. Với quan điểm như vậy, 4 trường hợp như đã nói ở trên thì không cần phải đi định giá thường xuyên, vì chi phí lớn mà thu về chẳng được bao nhiêu.
Thế còn những nơi giao đất mới, cho thuê đất mới, tính tiền bồi thường GPMB... thì áp dụng theo giá thị trường, ngay tại thời điểm thu hồi.
- Vậy khi bỏ khung giá đất của Chính phủ, các địa phương sẽ căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá đất, công bố với người dân?
- Nhà nước nắm các quy trình phương pháp xác định giá. Các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện. Nếu làm thật chuẩn theo cách thức đã quy định thì không có sai sót. Giá sẽ áp theo giá thị trường.
Nếu “thoát ly” phương pháp định giá mà Chính phủ ban hành thì giá các địa phương đưa ra sẽ không phản ánh đúng giá thị trường. ở đây, Nhà nước chỉ quản lý quy trình, quy phạm phương pháp định giá.
- Như vậy, có thể hiểu là Nhà nước sẽ đứng ra giám sát, trong trường hợp địa phương đưa ra giá sai thì “tuýt còi”?
- Chính là cơ quan mà Chính phủ giao cho thực hiện các phương pháp định giá. Tuy bỏ khung của Chính phủ nhưng các địa phương vẫn phải ban hành khung giá đất và khung đó chỉ áp dụng cho 4 trường hợp tôi đã nói.
- Vậy thưa ông, khi bỏ khung giá đất của Chính phủ và giao địa phương xác định giá thì người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi gì?
- Tất nhiên là người dân, doanh nghiệp sẽ được lợi. Mọi thứ sẽ bình đẳng và công bằng hơn hiện nay. Đầu vào là giá thị trường, đầu ra cũng theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá thị trường không có nghĩa là mỗi nơi đưa ra một mức giá quá chênh lệch nhau mà vẫn phải có mặt bằng chung.
Chính Trung (Thực hiện)