Chính phủ điện tử: Khó mấy cũng phải làm

ANTD.VN - Với mỗi người dân, cụm từ “Chính phủ điện tử” đang dần trở nên quen thuộc hơn qua mỗi lần làm thủ tục khai sinh, khai tử; cấp đổi giấy phép lái xe, hộ chiếu… qua mạng. Không chỉ ở những mảng việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính Nhà nước cũng đang tăng tốc triển khai thực hiện công việc nội bộ qua mạng.

Chính phủ điện tử: Khó mấy cũng phải làm ảnh 1Ứng dụng công nghệ là cách phù hợp nhất để rút gọn thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020 vào cuối tháng 8-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử. “Việc này nói thì dễ nhưng làm rất khó. Phải làm sao qua mạng, từ Thủ tướng tới Bộ trưởng, Chủ tịch UBND chính quyền các cấp đều biết và quản lý được toàn bộ quy trình xử lý văn bản của cả hệ thống. Cán bộ, chuyên viên, ai làm chậm, ai “ngâm” văn bản lâu, ai làm tốt, làm nhanh, chính xác đều phải công khai và qua mạng, người dân có thể tham gia phản biện, góp ý với cơ quan Nhà nước” - Thủ tướng nói.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1-9-2016, tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu xử lý văn bản và hồ sơ công việc (không mật) qua mạng thông tin điện tử. Đây là động thái nhằm cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện vận hành Chính phủ điện tử tại Bộ TN-MT. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: “Phần mềm sẽ giúp lãnh đạo Bộ có thể xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi và điều hành công việc một cách hệ thống; tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí”.

 “Việc triển khai ban đầu khó tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng về lâu dài có thể làm được. Tôi đề nghị, từ Bộ trưởng, các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ đều phải thực hiện xử lý văn bản và quản lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; bảo đảm vận hành liên thông, thông suốt trên toàn hệ thống” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Ngày 19-9, Chánh Văn phòng Bộ TN-MT Tăng Thế Cường cho biết, việc triển khai xử lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng thông tin điện tử của Bộ từ 1-9 tới nay khá thuận lợi. “Tất nhiên, ban đầu cán bộ cũng chưa vào nếp hoàn hảo ngay được, nhưng như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo, phải quyết tâm làm bằng được. Chúng tôi đang hoàn chỉnh việc nâng cấp hệ thống phần mềm và quy trình liên quan để việc xử lý văn bản qua mạng bảo đảm nhanh, chuẩn xác, đặc biệt là chất lượng” - ông Tăng Thế Cường nói.

Được biết, hệ thống mới sẽ hỗ trợ một số tính năng đặc biệt như thực hiện chỉ đạo, điều hành bằng giọng nói, chữ viết và văn bản; theo dõi tiến độ xử lý đối với từng văn bản; ứng dụng chữ ký số và xác thực đối với văn bản… Hệ thống còn được kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản của Chính phủ, qua đó liên thông văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tạo lập môi trường làm việc điện tử phục vụ quản lý và điều hành công việc, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Thông tin-Truyền thông thí điểm, lựa chọn bàn giao thiết bị thông minh (máy tính bảng, smartphone) cho Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sử dụng để điều hành công việc trên mạng. Sau thời gian thí điểm, kể từ ngày 1-1-2017, thành phố Hà Nội bắt đầu áp dụng triển khai việc chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng.