Chính phủ chia sẻ với doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động

(ANTĐ) - Ngày 22-12, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan chính thức công bố loại hình Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đánh giá, với loại hình bảo hiểm này sẽ rất cần thiết đối với những lao động gặp rủi ro về việc làm.

Bảo hiểm thất nghiệp:

Chính phủ chia sẻ với doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động

(ANTĐ) - Ngày 22-12, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan chính thức công bố loại hình Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đánh giá, với loại hình bảo hiểm này sẽ rất cần thiết đối với những lao động gặp rủi ro về việc làm.

Chỉ phải đóng 1% lương mỗi tháng, Bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt cần thiết với lao động phổ thông
Chỉ phải đóng 1% lương mỗi tháng, Bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt cần thiết với lao động phổ thông

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, loại hình BHTN được thể hiện tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP (12-12-2009) về quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN.

Để được hỗ trợ người lao động phải đáp ứng những điều kiện gồm: Đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.

Theo đó, các đơn vị có sử dụng từ 10 lao động trở lên, đáp ứng đủ 3 điều kiện nêu trên sẽ phải đóng BHTN. Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc với mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng BHTN. Nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ, BHTN quy định thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp dao động từ 3 tới 12 tháng để người lao động nhanh chóng trở lại với việc làm.

Cũng theo Nghị định thì người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không thực hiện thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm hoặc bị tạm giam trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp... Từ tháng 1-1-2009 khi Nghị định có hiệu lực, chưa có lao động nào được hưởng chính sách này, mà chủ yếu là giai đoạn thu, phải từ đầu năm 2010 người làm công ăn lương gặp rủi ro mới được hỗ trợ.

Mặc dù BHTN rất có ý nghĩa đối với người lao động trong kinh tế hội nhập, tuy nhiên để BHTN hoạt động hiệu quả khi triển khai, đem lại lợi ích cho những lao động gặp rủi ro vẫn còn những băn khoăn. Đó là các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn khi thực hiện trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tiếp đến đó là tình trạng nợ đọng, trốn đóng. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp khai thấp hơn mức lao động hưởng...

Theo ông Trịnh Huy Điều - Phó ban Chính sách kinh tế - xã hội (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: “Mới đây công đoàn cơ sở các cấp đã kiểm tra, phát hiện ra nhiều doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, đã tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp đó. Do vậy, với loại hình BHTN lần này, công đoàn cương quyết sẽ thực hiện nghiêm khắc hơn. Công đoàn các cơ sở sẽ chính là cầu nối để các đơn vị thực hiện tốt luật này...”.

Để BHTN hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ bổ sung vào Nghị định số 135 (ngày 16-8-2007) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thay thế cho Nghị định 113 (ngày 16-4-2004) quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động. Ông Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “Tinh thần thực hiện BHTN lần này sẽ nghiêm khắc.

Thực tế, Luật Bảo hiểm xã hội ban hành từ tháng 6-2006 nhưng chính sách về BHTN lại có hiệu lực ngày 1-1-2009, đúng thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp. So với BHXH, mức đóng BHTN chỉ là 1% tiền lương, tuy không cao, nhưng trong thời điểm khó khăn, quỹ lương chịu nhiều sức ép như hiện nay thì việc doanh nghiệp có thể tìm cách trốn đóng là điều phải lường trước.

Làm thế nào để các doanh nghiệp tham gia nghiêm túc không dễ. Vì vậy, sẽ áp dụng những chế tài xử phạt nặng đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc BHTN... Những quy định này sẽ được thể hiện tại Thông tư hướng dẫn sẽ được Bộ LĐ-TB&XH ban hành trong tháng 12 này.

Một trong những điểm có ý nghĩa tại loại hình bảo hiểm này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước. Ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, với mức đóng góp 1% của người lao động, 1% từ phía Chính phủ vào quỹ BHTN chính là cách chia sẻ với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ lao động thất nghiệp.

Bởi trước đây, hàng năm doanh nghiệp phải dành từ 1-3% ngân sách cho quỹ phòng chống rủi ro để chi trả trợ cấp thôi việc và mất việc làm cho người lao động thì nay con số này chỉ là 1%. “Như vậy sẽ công bằng hơn cho doanh nghiệp.

BHTN ngoài ý nghĩa an sinh xã hội còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đây là chính sách mới có tác động trực tiếp đến người lao động, chủ sử dụng lao động và an sinh xã hội. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên tính ổn định của quỹ này sẽ cao” - ông Huy nhận xét.

Huệ Chi