Chỉnh lại chuẩn nghèo
(ANTĐ) - Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu đề xuất phương án chuẩn nghèo trình Chính phủ phê chuẩn theo chỉ số thực tế giá cả năm 2008. Theo đó, ở nông thôn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 300.000 đồng/người/tháng trở xuống. ở thành thị mức thu nhập từ 390.000 đồng trở xuống.
Chỉnh lại chuẩn nghèo chính là để giúp người nghèo bớt khó khăn. Theo Tổ chức Oxfam của Anh quốc, qua khảo sát ở một số thành phố lớn, ngay cả chuẩn 390.000 đồng/người/tháng cũng chưa phản ánh được biến động giá cả thực tế và áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân.
Vậy đâu là chuẩn nghèo phù hợp và tại sao phải thay đổi chuẩn nghèo? Hiện nay, chuẩn nghèo 260.000 đồng/tháng của đô thị nước ta không còn phù hợp nữa, vì trong mấy năm qua, giá lương thực, thực phẩm đã tăng đáng kể cộng với lạm phát cao. Điều chỉnh chuẩn nghèo mới có thể phân loại xem thật sự có bao nhiêu người nghèo.
Chỉnh lại ngưỡng nghèo có ý nghĩa rất quan trọng vì người nghèo có một số “quyền” ít ỏi về tiếp cận dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, trợ cấp khó khăn. Ví dụ, nếu thu nhập của một gia đình là 500.000 đồng/tháng, mức thấp nhất cho một hộ nghèo ở thành thị hiện nay, nhưng vì mức đó cao hơn chuẩn nghèo hiện tại là 390.000 đồng/tháng, thì hộ đó vẫn không được hưởng một số dịch vụ ưu đãi cho người nghèo.
Chúng ta không “giấu nghèo” , khi điều chỉnh chuẩn nghèo tất nhiên sẽ có thêm nhiều người nghèo mới và sẽ mất “thành tích” xóa đói nghèo, nhưng bù lại, người nghèo sẽ được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Mặt khác, chính quyền cũng cần biết chính xác còn bao nhiêu người nghèo, họ sống như thế nào để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, giúp đõ họ đỡ nghèo hơn. TP.HCM đã nâng chuẩn nghèo lên 1 triệu đồng/tháng, nhưng một số thành phố, đô thị chưa làm vì ngân sách khó khăn.
Cách đây 5 năm, với 390.000 đồng, người nghèo có thể mua được 20kg gạo, nay chỉ mua được 10kg. Như vậy, chuẩn nghèo hiện tại không phản ánh giá tăng, lạm phát và chi phí sinh hoạt thực tế. Cần có một cách nhìn, cách nghĩ “sáng sủa” hơn về vấn đề người nghèo ở nước ta. Việc điều chỉnh, nâng chuẩn nghèo phải coi là một bước tiến chứ không phải bước thụt lùi của đất nước. Thêm nhiều người nghèo theo chuẩn mới, có nghĩa là ngưỡng nghèo được nâng lên, “đáy” nghèo cũng cao hơn so với “vùng trũng” nghèo của khu vực và thế giới.
Quan trọng hơn, chính quyền sẽ hiểu rõ chuẩn nghèo của địa phương để phân bổ ngân sách và chuẩn bị nguồn lực thực hiện trách nhiệm đối với người nghèo. Đặc biệt với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... đối tượng người nhập cư nghèo chịu nhiều “tổn thương”. Họ chưa thể đăng ký cư trú và kiếm sống trong khu vực không chính thức nên rất khó “chạm” tay vào các dịch vụ an sinh xã hội. Về nguyên tắc, người nhập cư có quyền đăng ký tạm trú nhưng với điều kiện phải có hợp đồng thuê nhà hợp pháp.
Nơi họ ở thường không có điện, nước ổn định, nếu có thì phải chịu phí cao hơn. Về lý thuyết, con cái họ có quyền đi học, được chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy, các trường học, bệnh viện ở các thành phố vốn đã quá tải, chưa thỏa mãn nổi nhu cầu của người dân địa phương, nói gì đến những người “di cư” ngoại tỉnh.
Người nghèo là những người mà Nhà nước, chính quyền cần quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của họ. Giám đốc Tổ chức Oxfam cho rằng, gói kích thích kinh tế của Chính phủ nên quan tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp người nghèo và tạo nhiều việc làm mới. Quan trọng là Chính phủ cần có “bức ảnh” chính xác về người nghèo để phân bổ ngân sách và nguồn lực tương ứng.
Theo đó, Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ hơn ở những huyện nghèo. Xã nghèo để tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo triền miên, chứ không chỉ tập trung vào các thành phố, đô thị lớn. Hiện nay chuẩn nghèo đang trong giai đoạn áp dụng thử nghiệm, chưa phải là chuẩn nghèo mới chính thức. Người nghèo đang mong mỏi được nâng lên chuẩn mới.
Đan Thanh