"Chiếc phao" bảo lãnh

(ANTĐ) - Để ổn định sản xuất và đứng vững, doanh nghiệp rất cần được tiếp cận với nguồn vốn. Tuy nhiên, họ lại không có đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Còn ngân hàng cũng chưa khơi thông được nguồn vốn nhưng không thể cho vay vì lo ngại rủi ro. Những vướng mắc trên chẳng khác nào chiếc “vòng kim cô” khiến cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều “khó thở”.

"Chiếc phao" bảo lãnh

(ANTĐ) - Để ổn định sản xuất và đứng vững, doanh nghiệp rất cần được tiếp cận với nguồn vốn. Tuy nhiên, họ lại không có đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Còn ngân hàng cũng chưa khơi thông được nguồn vốn nhưng không thể cho vay vì lo ngại rủi ro. Những vướng mắc trên chẳng khác nào chiếc “vòng kim cô” khiến cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều “khó thở”.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Giải pháp trên đây là hình thức hỗ trợ quan trọng trong gói giải pháp kích cầu của Chính phủ đối với cộng đồng các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp, kể cả hợp tác xã có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng và sử dụng 500 lao động trở xuống sẽ thuộc diện được xem xét bảo lãnh tín dụng để vay vốn đầu tư tài sản cố định theo dự án, hoặc vay vốn lưu động để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Thời hạn bảo lãnh phù hợp với thời gian vay vốn từ các ngân hàng thương mại, với mức vốn bảo lãnh là 100% nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi) của doanh nghiệp đối với ngân hàng.

Thủ tục bảo lãnh cũng hết sức đơn giản khi giải quyết theo mô hình “1 cửa”. Khi phát sinh nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến VDB, hoặc phía các ngân hàng thương mại sẽ gửi hồ sơ đến VDB. Tối đa 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, VDB sẽ tiến hành thẩm định.

Nếu đủ điều kiện thì VDB sẽ có văn bản chấp thuận bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, nếu không cũng sẽ được thông báo lý do cụ thể. Sau đó, ngân hàng thương mại sẽ xem xét và ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp. Tiếp đó, VDB sẽ ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn, hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và phát hành chứng thư bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng.

Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại tỏ ra băn khoăn khi theo cơ chế bảo lãnh tín dụng các ngân hàng này phải áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường. Giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại đang phải chịu sức ép từ việc giảm lãi suất cho vay theo đà giảm của lãi suất cơ bản, cùng với đó là các gói cho vay kích cầu với lãi suất thấp, nếu cho các doanh nghiệp được bảo lãnh vay với lãi suất thấp nữa thì các ngân hàng này sẽ gặp khó khăn.

Như vậy, cần có sự điều hành sao cho hài hòa được lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn phía ngân hàng sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn mà cả hai phía đang phải gánh trên vai.

Anh Tú