Chỉ vì một dấu trừ

(ANTĐ) - Sau môn thi cuối cùng của đợt I, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT trưa ngày 5-7 đã sớm khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, không có sự cố đặc biệt với hơn 600.000 thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó vài giờ, sau khi đáp án và đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT được công bố trên mạng, hàng chục nghìn thí sinh dự thi tại cụm Quy Nhơn đã xôn xao, lo lắng chỉ vì một dấu “-” thiếu trong đề thi Vật lý chiều 4-7.

Chỉ vì một dấu trừ

(ANTĐ) - Sau môn thi cuối cùng của đợt I, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT trưa ngày 5-7 đã sớm khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, không có sự cố đặc biệt với hơn 600.000 thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó vài giờ, sau khi đáp án và đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT được công bố trên mạng, hàng chục nghìn thí sinh dự thi tại cụm Quy Nhơn đã xôn xao, lo lắng chỉ vì một dấu “-” thiếu trong đề thi Vật lý chiều 4-7.

Đêm 5-7, Bộ GD-ĐT mới đưa vào báo cáo sự cố đề thi tại Quy Nhơn với một trong các phương án giải quyết được đặt ra là không tính điểm câu hỏi bị thiếu dấu “-” đối với tất cả gần 640.000 thí sinh vừa dự thi đợt I. Rõ ràng, chỉ vì thiếu một dấu “-” nhưng tầm ảnh hưởng của nó là không thể đo đếm khi có thể tác động vào kết quả thi của số lượng hàng trăm nghìn thí sinh.

Đã bước sang năm thứ 8 cả nước cùng thực hiện kỳ thi 3 chung: chung đề, chung đợt và chung kết quả thi trong các đợt tuyển sinh ĐH, CĐ. Những ưu điểm của phương pháp này đã được nhìn nhận như giảm khó khăn cho thí sinh khi chỉ cần thi một đợt có thể xét tuyển nhiều trường hay đánh giá được mặt bằng chung của các trường khi đưa ra mức điểm chuẩn riêng cho đầu vào của trường mình trên kết quả chung. Tuy nhiên, chỉ với một sơ suất dù nhỏ nhặt nhất liên quan đến đề thi thì hậu quả sẽ là vô cùng khó lường khi có hàng trăm nghìn thí sinh cùng dùng chung một đề thi.

Lỗi do Ban in sao đề thi của cụm Quy Nhơn đã rõ nhưng hệ quả của nó thì chưa biết đến đâu. Mặc dù lỗi sai chỉ trong phạm vi một câu hỏi trong số 50 câu và chỉ chiếm 0,2 điểm trong tổng số 10 điểm của môn thi này và nếu theo giải thích của Bộ GD-ĐT, sau khi thay thang điểm thì ảnh hưởng của sai sót này tới kết quả thi của thí sinh là rất nhỏ thì vẫn khó có thể phủ nhận khả năng nhiều thí sinh có thể vì câu hỏi này mà đã mất nhiều thời gian dành để trả lời các câu hỏi khác. Việc quy 49 câu hỏi ra thang điểm 10 cũng có thể thiệt cho một số thí sinh theo quy tắc làm tròn.

Và giờ đây gần 34.000 thí sinh tại cụm thi Quy Nhơn cũng chỉ biết trông chờ kết quả thi theo cách giải quyết của Bộ, còn chuyện thiệt hơn sau này khi mà có thể chỉ vì 0,25 điểm làm tròn quyết định thí sinh đỗ hay trượt đại học sẽ được coi là vấn đề may rủi. Có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra trong một đợt thi lớn như kỳ thi tuyển sinh đại học và đây cũng là một trong những bài học quan trọng về sự chủ quan. Bài học này càng có ý nghĩa hơn trước đề án cải tiến thi cử của Bộ GD-ĐT với phương án triển khai một kỳ thi “hai trong một” THPT quốc gia với một kết quả xét cả tốt nghiệp THPT lẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Vinh Hương