Chỉ số... niềm tin
(ANTĐ) - Giữa thời buổi kinh tế khó khăn bao trùm toàn thế giới không chừa bất cứ quốc gia nào, một công trình nghiên cứu về chỉ số... niềm tin của người tiêu dùng do Công ty Nghiên cứu thị trường có uy tín Taylor Nelson Sofres mới công bố, thật có ý nghĩa kinh tế - xã hội đáng quan tâm. Qua cuộc khảo sát hàng trăm người tiêu dùng ở Hà Nội và TP.HCM, kết quả cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam có sụt giảm nhưng vẫn khá lớn so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, khi nhìn nhận về tình hình kinh tế vĩ mô, 45% những người được hỏi cho là kinh tế đang tốt lên, trong khi 35% cho rằng tệ hơn. Có tới 50% người được hỏi nói rằng, tình hình đầu tư nước ngoài tốt hơn, chỉ có 19% nói rằng tệ hơn. Có tới 36% cho rằng, cuộc sống cá nhân của họ đã cải thiện hơn và có 16% cho là tệ hơn.
Nhìn chung cuộc điều tra chứng tỏ, người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá vững tin vào tình hình kinh tế đất nước. Nói một cách khác, người dân Việt Nam đang khá lạc quan khác hẳn thái độ bi quan, hoài nghi của người dân ở các nước có mức sống, thu nhập cao hơn nhiều lần.
Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, có tới 85% người được hỏi tin rằng, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng, song chỉ có 31% nghĩ rằng họ sẽ thất nghiệp. Thái độ lạc quan cũng thể hiện khi đa số tin rằng, hạ tầng cơ sở sẽ được cải thiện. Trong khi đó, có tới 60% cho là ô nhiễm môi trường sẽ tồi tệ hơn. Kết quả điều tra còn cho thấy, một nửa số người tiêu dùng cho là cần tiết kiệm nhiều hơn để đối phó với suy giảm kinh tế. Họ cho biết sẽ cắt giảm 10% chi tiêu và có đến 32% cho hay sẽ cắt giảm 20% chi tiêu.
Điều thú vị ít được biết đến mà cuộc điều tra phát hiện là sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng và cách nhìn về tương lai giữa người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM. Người Hà Nội, vẫn có cái nhìn lạc quan hơn và ít cắt giảm chi tiêu hơn. Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường, nhận xét: “Nhìn tổng thể, người tiêu dùng TP.HCM thắt chặt túi tiền hơn người Thủ đô”.
Giải thích hiện tượng này, ông cho rằng người tiêu dùng TP.HCM thường đi đầu các xu hướng tiêu dùng mới, còn người Hà Nội thường “chạy theo” sau. Một lý do là nhiều người ở Hà Nội có thể kiếm tiền dễ hơn. Song theo ông, người giàu ở Hà Nội thì rất giàu, còn người nghèo lại rất nghèo. Khoảng cách giàu nghèo rõ rệt hơn ở TP.HCM.
Đã có không ít nghiên cứu về thói quen tiêu dùng và lối sống cho thấy, một số khác biệt cơ bản giữa người dân hai thành phố. Hầu hết các nhãn hiệu thời trang lớn đã có mặt tại Hà Nội. Hiệu thời trang Hermesf của Pháp đắt tiền hàng đầu thế giới, mở cửa tại Hà Nội đúng vào trận mưa lụt lịch sử năm ngoái, nhưng giới nhà giàu vẫn xếp hàng đặt mua những túi xách giá trung bình 8.000 USD, ở TP.HCM ngay cả người giàu cũng phải nhìn kỹ giá.
Những kết quả nghiên cứu chứng mình sự khác biệt về bản chất giữa người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM. Người TP.HCM ít quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn, dễ dãi hơn trong mua sắm. Họ ít tham vọng trong cuộc sống hơn, đồng thời lại đóng vai trò tiên phong xu hướng tiêu dùng mới. Người Hà Nội được miêu tả là quá coi trọng về hình thức, chọn mua hàng khó tính hơn. Người Hà Nội nhiều tham vọng hơn nhưng về mặt tiêu dùng lại hay chạy theo xu hướng.
Những số liệu điều tra trên có thể chưa phải là kết quả thật chuẩn xác phản ánh thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn “giọt nước thấy cả đại dương”, công trình nghiên cứu cho thấy, chính sách kích cầu tiêu dùng hiện nay không thể bỏ qua tâm lý, thói quen và bản tính người tiêu dùng Việt Nam. Điều quan trọng nhất mà không nhiều người dân các nước khác có được chính là chỉ số... niềm tin của người dân Việt Nam cao hơn hẳn. Lạc quan là bản chất của dân ta mà!
Đan Thanh