Chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao làm giảm "sức khỏe" doanh nghiệp

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam trả lời các kiến nghị về vướng mắc, bất cập của các doanh nghiệp thuỷ sản liên quan đến lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tới

Trong công văn gửi đến Bộ LĐ-TB&XH, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, khi lên tới 32% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn (doanh nghiệp đóng 2%, người lao động đóng 1%).

Chi phí lao động ngày một tăng cao trong khi năng suất lao động tăng rất ít cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội một cách hài hòa, tăng thu nhập thực tế cho người lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam  kiến nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội 4% trở về mức đóng năm 2010 (doanh nghiệp đóng 16% và người lao động đóng 6%).

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH trả lời như sau: Việc đánh giá các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội tác động đến chi phí của doanh nghiệp phải được xem xét dựa trên mức đóng (được xác định bởi tỷ lệ đóng nhân với nền tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) chứ không phải ở riêng tỷ lệ đóng góp. Mặt khác, khi so sánh với mức đóng ở mỗi quốc gia còn phải dựa trên các quyền lợi nà người lao động được hưởng theo từng chính sách mang lại.

Cụ thể, xét về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng cao trong khu vực với tổng tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động là 27,5% không bao gồm bảo hiểm y tế. Tỷ lệ đóng trên là thấp hơn so với tỷ lệ đóng của Singapore, gần bằng tỷ lệ đóng của Malaysia, cao hơn Thái Lan và Philippines. 

Tuy nhiên, nền tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế.

Qua số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội và kết quả khảo sát tiền lương ở các doanh nghiệp cho thấy ở Việt Nam nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Tiền lương đóng bao hiểm xã hội chỉ bằng khoảng 60% tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động.

Như vậy, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp thì dẫn đến mức đóng bảo hiểm xã hội không cao.

Trong thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng của các quỹ bảo hiểm xã hội, trên cơ sở đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% từ ngày 1-6-2017. Đây là một trong những chính sách góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung cải cách về điều chỉnh tỷ lệ đóng như sau: “... Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động”.

Do vậy, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ bám sát nội dung cải cách nêu trên của Nghị quyết số 28/NQTW để tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội.