Chạy theo thành tích, nhiều xã nông thôn mới nợ đầm đìa

ANTD.VN -  Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, dù đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực song tình trạng nợ đọng tại các xã nông thôn mới cũng ngày càng báo động. Đến nay, có tới 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới với số tiền lên tới 15.277 tỷ đồng.
Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, dù đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực song cùng đó, tình trạng nợ đọng tại các xã nông thôn mới cũng ngày càng báo động. Đến nay, có tới 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới với số tiền lên tới 15.277 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp

Sáng nay, 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tính đến tháng 9-2016, cả nước đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.

Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới cũng đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, vướng mắc. Trong đó, một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành (nợ tiêu chí). Kết quả thực hiện tại các vùng, miền cũng có sự chênh lệch rõ rệt.

Đặc biệt, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Hiện có tới 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt, đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước.

Bên cạnh đó, trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình một số vấn đề

về nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Giải trình thêm về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến giờ huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã được khoảng 1 triệu tỷ đồng. Số tiền nợ đọng 15.000 tỷ đồng so với 1 triệu tỷ đồng không phải là lớn, song đáng nói là nợ đọng lại tập trung chủ yếu ở một số xã và địa phương, nguyên nhân là do nhiều nơi muốn nhanh chóng đầu tư để hoàn thành 19 tiêu chí.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng món nợ 15.000 tỷ đồng kể trên là một số nợ thực sự rất lớn. Để thuyết phục cho nhận định của mình, ông Giàu dẫn chứng câu chuyện về một huyện ở đồng Bằng sông Cửu Long được định hướng xây dựng thành huyện nông thôn mới, cấp trên hứa sẽ cấp ngân sách 370 tỷ đồng, huyện đi vận động doanh nghiệp được hứa cho 100 tỷ đồng, nhưng cuối cùng không có tỷ nào.

Theo ông Giàu, để tránh chạy theo thành tích, nhất quyết không nên giao chỉ tiêu xây dựng toàn bộ huyện nông thôn mới mà nên áp dụng theo mô hình của tỉnh Bình Dương là nâng chỉ tiêu đô thị hóa. Vấn đề nữa là tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải thực sự nghiêm túc và phải tăng nguồn lực đầu tư nhà nước, coi đây là cuộc đầu tư lần 2 cho nông nghiệp.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khác nhấn mạnh, một đất nước với 70% dân số sống ở nông thôn như Việt Nam thì chủ trương xây dựng nông thôn mới là cần thiết nhưng xây nông thôn mới phải tạo ra được tư duy mới, nguồn lực mới, nhân lực sản xuất mới và nhất là đem lại được cho bà con nông dân chất lượng cuộc sống mới chứ không nên chỉ chăm chăm chạy theo chỉ tiêu, thành tích. 

Trước tình trạng trên, dự thảo Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quốc hội yêu cầu phải xác định rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản, có giải pháp xử lý dứt điểm số nợ đọng trong năm 2017, không để phát sinh nợ đọng mới.

Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ. Không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Đặc biệt, phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bị Chủ tịch Quốc hội phê bình, Bộ trưởng NN&PTNT vội đến họp

Đầu phiên họp xem xét kết quả giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường không có mặt, chỉ có 1 Thứ trưởng tới dự. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, chương trình họp UB Thường vụ Quốc hội đã gửi trước, không phải cuộc họp đột xuất, thì cơ quan là đối tượng của giám sát, cụ thể là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải sắp xếp đến nghe, theo quy chế làm việc đã được thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, lại là giám sát tối cao, nghĩa là báo cáo sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận và tại Quốc hội, Bộ trưởng có thể phải đứng lên giải trình thêm. Vì thế việc Bộ trưởng không đích thân đến nghe Thường vụ thảo luận để chỉ đạo hoàn thiện thêm nội dung trước khi báo cáo Quốc hội là… rất tiếc. “Tôi đã nói rất nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng hay đi công tác nước ngoài, còn lại Bộ trưởng phải sắp xếp thời gian đến dự họp Thường vụ Quốc hội”- bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhắc chung các Bộ chú ý vấn đề này, rút kinh nghiệm những lần sau.

Tiếp lời Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã rất nhiều phiên nhắc nhở rồi nhưng hôm nay Bộ trưởng vẫn vắng mặt. Sau lời nhắc nhở của cả Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT không trình bày lý do Bộ trưởng Bộ này không đến dự họp. Nhưng đến 8h39, Chủ tịch Quốc hội thông báo lại, Bộ trưởng NN&PTNT đã có mặt tại cuộc họp.