Chạy đua điểm số và lệnh cấm những cuộc thi "bên lề"

ANTD.VN - PGS Văn Như Cương - một giáo viên uy tín trong ngành giáo dục với vài chục năm kinh nghiệm vừa có chia sẻ: “Tôi hoảng hốt vì hàng nghìn điểm 10 cả môn Toán lẫn tiếng Việt trong học bạ 5 năm tiểu học của thí sinh xét tuyển vào trường”. 

Cụ thể, trong số 4.000 học bạ được nộp để xét tuyển vào lớp 6 của trường phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội, có tới 1.000 học bạ điểm đẹp như mơ với số 10 tròn trĩnh, hoàn hảo cả 5 năm Tiểu học. Mọi người đều biết, thông thường để đạt được điểm 10 tuyệt đối môn tiếng Việt gần như là điều không thể, có chăng thì cũng cực kỳ hiếm, vậy mà nó đã trở thành hiện tượng phổ biến hiện nay.

Nhưng xét ra, mọi chuyện đều có cái lý riêng của nó. Lâu nay dù không tuyên bố đánh giá tiêu chuẩn thi đua nhưng tỷ lệ học sinh giỏi vẫn là thước đo của giáo viên và nhà trường. Một lớp có tới 90%, thậm chí 100% học sinh giỏi cũng chẳng có gì lạ. Thêm nữa, cuộc đua và khát vọng vào những lớp chọn, trường chọn của các bậc phụ huynh học sinh khiến cho thầy cô “không nỡ” vì thiếu một, hai điểm 10 mà làm mất cơ hội được xét tuyển của học sinh.

Còn phía trường tuyển sinh, vì không được tổ chức thi tuyển, nên điều kiện đầu vào đặt ra là học sinh cứ phải 10 điểm toàn diện cả Toán lẫn Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học. Những tưởng đây sẽ là tiêu chuẩn cao để căn cứ vào đó tuyển được những học sinh xứng đáng, nhưng chính cách thức tuyển sinh này vô tình đã gây nên một cuộc chạy đua điểm số và giải thưởng, trong đó phát sinh không ít biến tướng và tiêu cực.

Vậy các nhà quản lý giáo dục có thấy được thực tế này? Chuyện người dân ai nấy đều tỏ tường thì chẳng lẽ gì  các nhà quản lý lại không hiểu? Có lẽ vì vậy mà tuần vừa qua Bộ GD-ĐT đã ban hành “lệnh cấm” lấy giải thưởng ra làm căn cứ xét tuyển đầu cấp, tránh những cuộc đua “ngầm” lâu nay. Dù chỉ là bước khởi đầu nhưng ít nhất đó cũng là dấu hiệu tích cực từ cấp quản lý trong việc giảm tải, học thực chất, tránh hình thức, chạy đua theo thành tích...

Ở một khía cạnh khác có liên quan, trong dịp họp phụ huynh cuối năm học cách đây vài ngày, một cô giáo tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ, cả lớp 3 của cô chỉ có 4 học sinh được giấy khen hoàn thành xuất sắc, tức là điểm Toán, Tiếng Việt đều từ 9 trở lên, còn lại có tới gần nửa số học sinh chỉ đạt điểm trung bình khá.

Đáng mừng ở chỗ, thay vì bất bình khi con không được khen, phần lớn phụ huynh lớp này lại ủng hộ và cho rằng đánh giá như vậy mới đúng thực chất của con em mình. Có vẻ như điểm 7, 8 đã xuất hiện trở lại! Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở hàng loạt các trường tiểu học của Hà Nội. Tuy rằng điều này có thể không làm hài lòng những phụ huynh chỉ mong con mình có học bạ đẹp như mơ nhưng rõ ràng việc đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh đã trở lại thay vì thời kỳ “hoành hành” của những điểm 10 và giải thưởng từ vô số các cuộc thi  “bên lề”.