Vụ hỏa hoạn 5 người tử vong tại quán karaoke Nhật Thực ngõ 43 Giảng Võ:

Cháy do chập điện, nhân viên dùng nước dập

ANTĐ - Kết quả khám nghiệm ban đầu của cơ quan chức năng về hiện trường vụ hỏa hoạn tại quán karaoke Nhật Thực bộc lộ thực tế: Hậu quả nghiêm trọng xảy ra do quán karaoke dạng “nhà ống” này không có lối thoát nạn, không có cửa sổ; người bị nạn thiếu kiến thức về PCCC.

Khu Zone 9; đa phần các nạn nhân tử vong do ngạt khói

Bảng điện: điểm phát cháy đầu tiên
Diễn biến sự việc có thể tóm tắt như sau: khoảng 12h30 ngày 3-5, anh Trịnh Văn Bốn (20 tuổi, nhân viên quán Nhật Thực) đang dọn dẹp ở tầng 1 thì phát hiện bảng điện gần cầu thang lên tầng 2 bị chập bùng cháy. Anh Bốn dùng chậu nước hắt vào, nhưng do lửa cháy lớn, nhanh nên không dập được và lửa bắt đầu bén, cháy lên các tầng trên. Nhận xét về cách xử lý của anh Bốn, một kỹ sư điện nói: “Rất may, anh này không bị nguy hại đến tính mạng. Trong trường hợp điện chưa được cắt mà dùng nước để chữa lửa cháy, rất dễ bị giật”. Nhân viên Bốn may mắn chạy thoát ra ngoài, nhưng nhiều người khác có mặt trong quán Nhật Thực thời điểm xảy cháy đã không gặp may như vậy. Quán karaoke Nhật Thực là ngôi nhà xây 5 tầng. Tầng 1 là khu vực quầy bar và lễ tân; từ tầng 2 lên tầng 4 có 6 phòng hát; tầng 5 có phòng thay đồ và phòng máy vi tính. Chất liệu chính bề mặt tường của quán, từ tầng 1 đến tầng 5, cơ bản là mút, xốp để cách âm, trang trí, vốn rất dễ bắt lửa. Và điều nguy hại khác, là quán chỉ có 1 cửa ra vào ở tầng 1. Từ tầng 2 lên tầng 4, các cửa sổ bị bịt kín. Tầng 5 có cửa mở ra sân thượng. Chính lối “thoát hiểm” bất đắc dĩ, duy nhất này đã cứu được một số người đang có mặt ở tầng 4, tầng 5. Kết cấu nhà ống, vật liệu dễ cháy và không có lối thoát hiểm… những yếu tố “chết người” ấy đã khiến vụ hỏa hoạn trong quán karaoke Nhật Thực, dù không thực sự quá lớn (chủ yếu cháy ở tầng 1), gây họa. Bốn trên tổng số 5 nạn nhân thiệt mạng, được xác định tử vong do ngạt khói và đều được phát hiện tử vong trong các phòng hát, phòng thay đồ. Một nạn nhân nữ bị phát hiện chết vì bỏng. Theo một cán bộ khám nghiệm, có thể, nạn nhân này khi phát hiện cháy, chạy từ tầng 3 lên tầng 4 để tìm cách thoát, nhưng không kịp do khói bốc lên quá dày đặc. 
Cháy do chập điện, nhân viên dùng nước dập ảnh 2
Tầng 1 quán karaoke Nhật Thực cháy rụi
Tự cứu khi gặp tình huống nguy cấp
Bao nhiêu quán karaoke trên địa bàn thành phố đang tiềm ẩn nguy cơ như quán Nhật Thực? Và cần phải làm gì để hạn chế những nguy cơ này? Những câu hỏi ấy, rất cần cơ quan chức năng từ thành phố đến quận, huyện, thị xã sớm trả lời, bằng việc khẩn trương rà soát và kiên quyết xử đối với những cơ sở nhiều tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy. Một vấn đề quan trọng khác cũng cần đặt ra, đó là cần làm gì trong tình huống nguy cấp, gặp hỏa hoạn với khói dày đặc như “vụ Nhật Thực” hôm 3-5? Ngạt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị bỏng. Thực tế là vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, những người có mặt không có nhiều thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Nguy cơ thoát hiểm càng ít nếu không có kỹ năng thoát nạn trong giai đoạn này, và sự kéo dài thời gian sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng. “Cố gắng bình tĩnh” là yêu cầu đầu tiên, song quan trọng không kém là thao tác để thoát khỏi vùng nguy hiểm. “Phải cúi thấp người khi di chuyển, vì khói luôn bay lên cao. Thậm chí, người phải bò dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để khỏi bị ngạt”, chỉ huy Phòng CS PCCC Ba Đình hướng dẫn. Trong vùng khói, cố gắng tìm khăn hoặc giẻ để thấm nước, che kín miệng và mũi để giảm nguy cơ bị ngạt khói. Quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết và nên đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn, giẻ thấm nước che miệng, mũi, phải có thêm chăn nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể, và chạy.  Lưu ý quan trọng khác là khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà, phải để ý các đường lối, sơ đồ thoát nạn. Không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy.  Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm.  Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy. Đây cũng là yêu cầu tối quan trọng, khi xảy cháy.