Châu bản, Mộc bản kể chính sử triều Nguyễn

ANTĐ - Ngày 2-12, triển lãm “Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản - Di sản tư liệu thế giới” đã được khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội. Châu bản, Mộc bản là những tài liệu quan trọng ghi chép, phản ánh một cách chính xác, chân thực bức tranh xã hội đương thời dưới triều Nguyễn - triều đại phong kiến để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.  

Châu bản, Mộc bản kể chính sử triều Nguyễn ảnh 1Mộc bản và bản dập bìa sách “Đại Nam nhất thống chí”

Nguồn tư liệu xác thực

Ngoài Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, triều Nguyễn cũng để lại 2 khối tư liệu quý báu, đó là Châu bản và Mộc bản, được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới lần lượt vào năm 2014 và 2009. Trong đó, Châu bản là toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ... được đích thân nhà vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực son…, truyền đạt ý chí hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội.... Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc Nôm ngược, được in ra thành các cuốn sách, dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Mộc bản triều Nguyễn được san khắc dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945), phản ánh mọi mặt trong đời sống xã hội Việt Nam. Bởi vậy, những thông tin chứa đựng trong 2 khối tài liệu này là cực kỳ đa dạng, phong phú và xác thực, phản ánh toàn bộ bức tranh của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. 

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước cho biết, Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn là tư liệu cung cấp thông tin chính xác, phong phú về một trong những hoạt động quan trọng, nổi bật dưới triều đại này, là tổ chức biên soạn chính sử. Đây là một trong những đóng góp thành công và tiêu biểu cho nền sử học quân chủ Việt Nam và là điểm khởi đầu của những cuốn sử kinh điển như “Minh Mệnh chính yếu”, “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”…  

Chuyện về cơ quan biên soạn lịch sử đầu tiên 

Triển lãm đã giới thiệu tới công chúng 100 phiên bản tài liệu từ Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn, trong đó phản ánh quy trình biên soạn, kiểm duyệt bản thảo, sưu tầm... hết sức chặt chẽ, quy mô, bài bản và chuyên nghiệp của triều Nguyễn. Ngay từ năm 1820, vua Minh Mệnh đã ra chỉ dụ về việc cần thiết phải lập ra Sử quán: “Thế tổ cao hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước… nếu không có sử sách thì lấy gì dạy bảo về sau”. Bởi vậy, năm 1820, Quốc sử quán được xây dựng trong kinh thành Huế, và cho đến nay, đây được cho là cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất tại Việt Nam thời phong kiến (tồn tại từ 1821-1945). 

Đội ngũ của Quốc sử quán được tổ chức rõ ràng gồm các chức quan như tổng tài, phó tổng tài, toản tu, biên tu, khảo hiệu, đằng lục… Chức tổng tài và phó tổng tài (phụ trách việc biên soạn) là do đích thân nhà vua kén chọn. Nguyễn Văn Nhân được coi là Tổng tài đầu tiên của Quốc sử quán. Tuy nhiên, trước Quốc sử quán, dưới thời vua Gia Long, vị vua đầu triều của nhà Nguyễn, người rất ham thích lịch sử đã cho thành lập một cơ quan đó là Sử cục (tiền thân của Quốc sử quán) và Nguyễn Văn Thành, một võ tướng, vị khai quốc công thần triều Nguyễn giữ chức Tổng tài Sử cục. Đây là những người có đóng góp lớn cho việc biên soạn, hoàn thiện những tác phẩm sử học lớn dưới triều Nguyễn.

Và không chỉ có các cơ quan viết sử, các triều đại nhà Nguyễn cũng cho xây dựng và hoàn thiện cơ quan lưu giữ, bảo quản sách như Tàng thư lâu - nơi bảo quản sử sách, Tàng bản đường - nơi bảo quản ván khắc, Đông các - nơi bảo quản nguồn tư liệu, trong đó có Châu bản… Đây là những minh chứng cho thấy triều Nguyễn đã rất chú trọng đến việc biên soạn, ghi chép chính sử và là những tài liệu quý giá cho những nhà sử học bổ sung thêm nguồn tư liệu nghiên cứu về giai đoạn lịch sử rực rỡ của dân tộc, khẳng định những vấn đề còn tranh cãi.   

Ông Hà Văn Huề - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho hay, quá trình bảo quản, lưu giữ, đảm bảo tính nguyên vẹn đối với Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn đặt ra rất nhiều khó khăn cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) là 2 đơn vị trực tiếp quản lý 2 khối tư liệu này.

Theo ông Hà Văn Huề, hiện nay tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có 85.000 văn bản Châu bản, của 11 trên 13 triều vua Nguyễn, trong khi đó, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có 35.000 ván in khắc của 152 đầu sách, tương ứng với 2.000 quyển sách. Tuy nhiên, nhiều ván khắc Mộc bản bị hư hỏng, cong vênh, sứt mẻ, vỡ… Có những tài liệu Châu bản có tuổi đời hàng trăm năm, không ít văn bản trong số đó đã mờ, mủn, rách, ố vàng… Điều này khiến công tác lưu trữ, bảo quản, phục chế phải được tiến hành hết sức cẩn thận, nghiêm ngặt, tuân theo các quy trình khoa học tiên tiến. Làm tốt công tác bảo quản cũng là trọng trách nặng nề của cơ quan lưu trữ để duy trì và bảo vệ danh hiệu Di sản tư liệu thế giới mà UNESCO trao tặng.