Chật vật trước ngưỡng cửa đại học

ANTĐ - Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 25-8, các trường CĐ, ĐH phải gửi giấy báo cho thí sinh trúng tuyển đợt I. Tuy nhiên, ngay hôm nay 21-8, dựa trên danh sách cập nhật của các trường, thí sinh đã có thể biết mình đỗ hay trượt.
Chật vật trước ngưỡng cửa đại học ảnh 1

Thí sinh vội vã làm thủ tục rút hồ sơ tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày “khóa sổ” nguyện vọng 1. Ảnh: THUẦN THƯ

Nín thở chờ điểm chuẩn 

Sáng 20-8, nhiều phụ huynh, thí sinh đã có mặt từ sớm tại hội trường Học viện Ngân hàng. Không khác gì sàn chứng khoán, mức điểm thống kê của trường được căng trên màn hình máy chiếu lớn tại hội trường để giúp thí sinh cập nhật thông tin. Nhiều phụ huynh thấp thỏm bởi mức điểm con mình đang bấp bênh và chỉ mong có thêm thông tin để kịp rút hồ sơ sang trường khác vào giờ chót nếu bị loại khỏi danh sách an toàn. “Nếu trường nào cũng cập nhật thông tin được như ở đây thì phụ huynh đỡ lo lắng thay vì chờ may mắn như đánh bạc” – anh Nguyễn Thái Long, quê ở Nam Định cho biết. 

Tại trường ĐH Công đoàn, phụ huynh phải tự mình phán đoán cơ hội trúng hay trượt để quyết định có rút hồ sơ hay không. Ở các trường tốp đầu, thí sinh cũng đau đầu chờ giờ G. Có những thí sinh dù đạt 27,75 điểm đăng ký vào ĐH Y Hà Nội vẫn phải chịu cảnh may rủi ở phút cuối. “Không có gì chắc chắn và em phải tự chuẩn bị tâm lý cho mình nếu trượt đợt này” – Nguyễn Huy Bằng, thí sinh Hà Nam đăng ký vào ĐH Y Hà Nội tâm sự. “Bộ có cần thiết phải kéo dài thời gian xét tuyển như vậy không bởi nhà nào có con đi thi ĐH năm nay cũng phải bỏ cả công việc để chờ đợi, đưa đón con cái đến các trường để đăng ký xét tuyển? Nhà nhà, người người đều vất vả suốt 3 tuần nay” – anh Nguyễn Thái Long thắc mắc.

Sẽ tổng hợp điểm chuẩn dự kiến cả nước

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin thí sinh, xét tuyển, các trường sẽ công bố kết quả và gửi Giấy báo kết quả trúng tuyển của thí sinh qua đường bưu điện chậm nhất vào 17h ngày 25-8. Bên cạnh đó, kết quả trúng tuyển sẽ được các trường thông báo trên trang thông tin điện tử của trường.

Bên cạnh đó, để giúp thí sinh có thông tin sớm, Bộ GD-ĐT cũng công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông về điểm chuẩn dự kiến của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tính đến 17h ngày 20-8 (bạn đọc có thể xem trên www.anninhthudo.vn ).

Phân tích về tình trạng rút, nộp hồ sơ gây mệt mỏi cho phụ huynh và thí sinh trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc rút hồ sơ chỉ xảy ra ở một số trường lớn, có sức hút thí sinh cao và thống kê tạm thời có khoảng 30-40 trường, tức là khoảng 1/10 tổng số trường ĐH, CĐ trên cả nước. Thời điểm rút, nộp hồ sơ tập trung nhiều vào những ngày cuối đợt xét tuyển nên có thể gây vất vả cho thí sinh. “Tuy nhiên, số lượng mà các em dịch chuyển như vậy không thể so sánh với sự dịch chuyển của hàng triệu thí sinh trong những đợt thi trước kia. Cho nên là nhìn chung tổng thể thì áp lực đối với xã hội cũng như thí sinh giảm đi rất lớn”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá.

Sẽ rút kinh nghiệm những mặt hạn chế 

Kết thúc đợt xét tuyển ĐH, CĐ lần này, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT phần nào chưa lường hết diễn biến thực tế nên còn nhiều thiếu sót. Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho rằng, kỳ xét tuyển lần này chưa phát huy được hiệu quả của phương pháp đăng ký trực tuyến. Phụ huynh, thí sinh vẫn phải trực tiếp đến tận trường rút, nộp hồ sơ khiến nhiều người phải đi lại nhiều lần. “Đây có thể là do người dân chưa quen và chưa yên tâm với phương pháp đăng ký trực tuyến qua hệ thống Sở GD-ĐT vì dù sao cũng là lần đầu thực hiện”, ông Thụ phân tích. 

Để tránh phải đi lại rút, nộp, điều chỉnh nguyện vọng, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng thí sinh nên theo dõi thông tin thường xuyên trên trang thông tin điện tử của các trường, nộp hồ sơ vào trường phù hợp với sức học và mức điểm của mình. Ngoài ra thí sinh nên sử dụng kênh nộp hồ sơ qua các Sở GD-ĐT đang vận hành rất tốt, nhất là các thí sinh chuẩn bị đăng ký đợt hai.

Cũng theo bà Lê Thị Thu Thủy, Bộ GD-ĐT, các trường và Sở GD-ĐT nên phối hợp để tăng cường ứng dụng CNTT trong tuyển sinh. Mỗi thí sinh nên có một tài khoản trên trang tuyển sinh và thực hiện việc nộp, rút, điều chỉnh nguyện vọng online trong thời gian quy định. Khi thí sinh trúng tuyển nhập học mới phải nộp bản chính phiếu điểm để các trường lưu hồ sơ.

Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn cũng kiến nghị việc kéo dài 20 ngày đăng ký xét tuyển là quá lâu, dù rằng Bộ đề phòng trường hợp thí sinh ở xa không kịp đi lại. Nếu kết hợp với đăng ký trực tuyến thì hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian tuyển sinh để người dân và nhà trường đỡ vất vả. Còn theo ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội, từ thực tế tuyển sinh năm nay, Bộ có thể giảm nguyện vọng đăng ký của thí sinh trong mỗi đợt xét tuyển, nên để 2 nguyện vọng là phù hợp. Việc đưa ra tới 4 nguyện vọng khiến thí sinh dù đăng ký và có thể trúng tuyển vẫn phải rút hồ sơ vì không đúng ngành nghề mình mong muốn.

Được biết, sau khi kết thúc đợt tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp để trao đổi rút kinh nghiệm. Sẽ có các sở, các trường, các chuyên gia  nghiên cứu, trao đổi thông tin. “Năm nay là năm đầu tiên thực hiện đổi mới tuyển sinh nên chắc chắn sẽ còn những mặt hạn chế. Bộ sẽ tiếp thu, sửa đổi, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Những năm sau này thí sinh cũng sẽ quen dần với phương thức xét tuyển mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh để làm nhẹ bớt khâu xét tuyển, nộp hồ sơ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.