Chất vấn phải bật ra giải pháp

ANTĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, tại kỳ họp này, thay vì những nhóm vấn đề được gợi ý trước, danh sách bộ trưởng trả lời chất vấn được xác định trước, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải tham gia phiên chất vấn tại Quốc hội. 

Đặc biệt, các bộ trưởng, “tư lệnh” đầu ngành phải trả lời bất cứ câu hỏi nào của đại biểu về những lời hứa của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với bước đổi mới mạnh mẽ này, chất lượng chất vấn chắc chắn sẽ được nâng lên rõ rệt, đáp ứng sự mong chờ và kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Khác với các kỳ họp trước, Quốc hội sẽ chất vấn lại những nội dung, công việc thực hiện các nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ cũng như một số nghị quyết về giám sát chuyên đề. Nói như một vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, để bộ trưởng phải thực hiện cho được lời hứa ngay khi còn đương nhiệm, Quốc hội phải bàn cho ra cơ chế, không để các bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa. Phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, có đại biểu nhấn mạnh, có những bộ trưởng khi hứa ở diễn đàn rất tâm huyết, nhưng khi thực hiện thì có việc “lực bất tòng tâm” và cho rằng do cơ chế.

Cụ thể là chưa phối hợp, điều hành chung giữa những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì thế, trách nhiệm thực hiện lời hứa là trách nhiệm của cả ngành, bộ trưởng chỉ là người “đứng mũi chịu sào”. Tuy nhiên, nói là ngành chịu trách nhiệm, bộ trưởng chưa thực hiện lời hứa là cách nói “chữa cháy”. Theo ý kiến của một số đại biểu, phải có cơ chế ngay giữa nhiệm kỳ chất vấn toàn bộ vấn đề, từ đó có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Điều cơ bản khiến nhiều lời hứa của bộ trưởng “trôi” đi là vì nghị quyết của Quốc hội không kèm theo chế tài.

Các bộ trưởng hứa trước Quốc hội, nếu để hết nhiệm kỳ rồi mới có dịp nhìn lại thì quá muộn và người lên sau phải lĩnh hậu quả. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất phương thức chất vấn, không chỉ là thách thức bản lĩnh của các thành viên Chính phủ mà còn đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao của các đại biểu Quốc hội. Khi đại biểu chất vấn không đi thẳng vào vấn đề, hỏi chung chung thì bộ trưởng cũng trả lời chung chung. Phải hỏi để cử tri biết việc bộ trưởng đã hứa, việc đang được thực hiện trong các chương trình giám sát bộ trưởng đã giải quyết đến đâu.

Các phiên chất vấn từ chỗ giống như cuộc “hỏi-đáp” thông thường đã chuyển sang tranh luận theo nhóm vấn đề, gần đây nhất là ra nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn. Kỳ họp này Quốc hội nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động này với trọng tâm: chất vấn lại tất cả vấn đề đã chất vấn. Có nghĩa là, chất vấn phải bật ra giải pháp, còn lời hứa của người bị chất vấn trước Quốc hội, trước nhân dân có sức nặng không dễ chối bỏ ngay cả khi còn đương nhiệm cũng như sau nhiệm kỳ. Người dân hoàn toàn có thể đo được lời hứa nặng hay nhẹ.