Sáng nay, tại diễn đàn Quốc hội:
Chất vấn “nóng” với ô nhiễm môi trường
(ANTĐ) - Sáng nay, 11-11, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội bước vào chương trình chất vấn và trả lời chất vấn. Với nhiều cải tiến như không đọc văn bản, chất vấn theo cụm vấn đề... một số nội dung được nhiều người quan tâm cơ bản đã được làm rõ qua chất vấn.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên lần đầu tiên đăng đàn chất vấn. |
Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội sáng nay là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên, người nhận được tới hơn 30 câu hỏi chất vấn, đứng thứ hai trong số các bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất tại kỳ họp này. Trọng tâm trong nội dung chất vấn Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, và tâm điểm là vụ vi phạm của Công ty Vedan.
Trả lời câu hỏi của ĐB Danh Út (Kiên Giang) về vụ việc này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, lẽ ra hôm nay (11-11) sẽ tiến hành cưỡng chế Vedan thực hiện các quyết định của Bộ (phạt hành chính, yêu cầu hoàn trả 127 tỷ đồng phí môi trường, phá dỡ hệ thống cống ngầm xả nước thải và xây dựng hệ thống xử lý nước thải). Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (10-11), Vedan đã phá dỡ 3/5 cống ngầm, lắp đặt thiết bị cho hệ thống xử lý nước thải mới, đã nộp đủ tiền xử phạt vi phạm hành chính và 15 tỷ đồng phí môi trường. Vedan cam kết đến hết năm 2008 sẽ nộp 50% của khoản phí 127 tỷ đồng, và đến hết năm 2009 sẽ nộp hết. Công ty này cũng đồng ý bồi thường thiệt hại cho sông Thị Vải. “Trong vụ này, tại sao việc đình chỉ hoạt động của Vedan, Bộ thì đổ trách nhiệm cho địa phương, còn địa phương lại đổ trách nhiệm cho Bộ?” – ĐB Danh Út hỏi.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói theo Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường, đây là trách nhiệm của địa phương: “Chúng tôi và tỉnh Đồng Nai không hề đùn đẩy trách nhiệm, mà đang phối hợp rất chặt chẽ”. Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng nói như vậy thì “oan” cho Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường, vì theo luật này, trách nhiệm đình chỉ cơ sở gây ô nhiễm môi trường không chỉ của UBND tỉnh, mà Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng có thẩm quyền. ĐB Nga đề nghị Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nghiên cứu lại về vấn đề này.
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt câu hỏi tại phiên chất vấn |
Nhận được trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên về những giải pháp toàn diện về giảm ô nhiễm môi trường, nhưng ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chưa hài lòng: “Bộ trưởng nói để chống ô nhiễm môi trường, nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất là khó. Vậy thì phải làm thế nào để người dân được sống trong môi trường trong lành?”.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều nỗ lực, nhưng nếu thực hiện “giải pháp mạnh” thì phải tính toán kỹ trên cơ sở trục phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm, và bảo vệ môi trường. Việc giảm ô nhiễm môi trường cần có lộ trình để không bị ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng. Hiện Bộ Tài nguyên – Môi trường đã xác định lộ trình đến 2015, trong đó trước mắt sẽ xử lý ngay 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2009 sẽ xử lý dứt điểm 65% nguồn nước thải gây ô nhiễm. “Chúng ta có thể làm trước ở các khu công nghiệp tập trung, các nhà máy hoá chất, các nhà máy có “tiềm năng” gây ô nhiễm môi trường...” – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.
Theo Bộ trưởng, việc Quốc hội trong suốt kỳ họp này thảo luận sôi nổi về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng sẽ là thông điệp gửi tới các doanh nghiệp, để tự họ nâng cao ý thức và có trách nhiệm về bảo vệ môi trường. “Lộ trình như vậy là quá dài, và liệu có bảo đảm từ nay đến 2015 không phát sinh thêm DN mới gây ô nhiễm môi trường?” – ĐB Nguyễn Thị Khá hỏi tiếp.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cam kết sẽ làm chặt chẽ việc thẩm tra báo cáo tác động môi trường của các dự án đầu tư, và các dự án phải có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường thì mới được khánh thành, tuy nhiên Bộ trưởng nói “tôi không dám chắc là không còn vi phạm”. Về hành lang pháp lý, Bộ trưởng cho biết trước mắt sẽ đề nghị sửa nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nâng mức phạt cao nhất lên 500 triệu đồng, thay vì 70 triệu đồng như hiện nay.
Trả lời câu hỏi của ĐB Danh Út về việc tại sao có đến 70% KCN, 90% DN không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn được cấp phép, theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã tham gia “chia lửa” với Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ông Phúc diễn giải rằng, vấn đề này cần nhìn cả quá trình. Trước đây chúng ta không đặt nặng vấn đề môi trường, chỉ có xử lý ở những nơi ô nhiễm nặng. Bây giờ mới giật mình và báo động, nên điều này cần được toàn dân cùng nâng cao nhận thức. “Về quản lý nhà nước, hiện nay không có chuyện các KCN không có hệ thống xử lý nước thải mà được cấp phép” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, và lên tiếng đề nghị lãnh đạo các địa phương cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng cam kết của mình về bảo vệ môi trường.
Cuối giờ sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn một số vấn đề về thuốc trừ sâu giả, xuất khẩu gạo, chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng, vi phạm lâm luật... một số vấn đề tháo gỡ khó khăn cho nông dân; công tác phòng chống thiên tai, bão lụt, công tác dự báo... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Bộ trưởng đã có một số lần trả lời chất vấn, đã có một số "lời hứa", đề nghị Bộ trưởng lưu ý, đọc lại biên bản họp những kỳ họp trước để trả lời những "lời hứa" đó.
Tường Lâm