Chất lượng tăng trưởng
(ANTĐ) - Trong phiên họp đầu xuân Kỷ Sửu của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định suy thoái kinh tế toàn cầu đặt nền kinh tế nước ta trước những thách thức nặng nề trong năm 2009. Sự lựa chọn số một của Chính phủ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không làm trầm trọng mất cân đối, chuẩn bị cơ sở cho sự phục hồi tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Có 3 việc cấp thiết bậc nhất lúc này là: Đảm bảo việc làm cho người lao động, ngăn chặn sự suy giảm, thậm chí đình trệ sản xuất kinh doanh, trong đó có các ngành xuất khẩu; khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, chống suy thoái.
Đây là ba việc khó, phải được ưu tiên trước hết. Không nên để cho mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP “ám ảnh”, xao nhãng và chi phối các mục tiêu trên. Khá nhiều ý kiến của các chuyên gia đều gặp nhau ở một điểm: Việt Nam không chỉ cần tìm kiếm những biện pháp ứng phó trước mắt, mà cần tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới, vừa thúc đẩy phát triển với chất lượng mới, cao hơn, vừa bảo đảm được sự tăng trưởng bền vững.
Theo một giáo sư thuộc trường Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản), qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng bộc lộ những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi trường, giữa nông thôn và thành thị, giữa người lao động và các thành phần xã hội. Đổi mới là một quá trình “mò mẫm” rất mất thời gian. Song không thể kéo dài tư duy của thời kỳ đổi mới, mà cần mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đoạn phát triển mới.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói cụ thể hơn: “Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư trong đó phần quan trọng là đầu tư từ ngân sách và các tập đoàn - tổng công ty Nhà nước sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, khai thác tiềm năng của khu vực dân doanh.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Kenichi Ohno phát biểu trên Diễn đàn Phát triển Việt Nam, cho rằng, Chính phủ không nên đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm như một điều bắt buộc. ở các nước khác, dự báo mức tăng trưởng chỉ được coi như các chỉ dẫn hoặc để tham khảo, không phải là điều bắt buộc phải thực hiện bằng mọi cách.
Dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2009 sẽ dao động từ 4-6,5%. Giáo sư thẳng thắn khuyến cáo rằng, khăng khăng theo đuổi một tỷ lệ tăng trưởng không thực tế sẽ làm méo mó quá trình hoạch định chính sách theo hướng kích thích kinh tế vĩ mô quá mức và xa rời việc bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Giáo sư K.Ohno lấy hình ảnh: Trên biển nổi sóng lớn, người thuyền trưởng trước hết phải đề phòng sự an toàn của con tàu, hơn là khăng khăng thực hiện hải trình như dự kiến. Vì vậy, năm 2009 sẽ phải chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng bình thường sang mô hình phòng vệ. Sự ổn định xã hội phải được duy trì sao cho tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ có thể hồi phục lại sau khi “cơn bão” khủng hoảng toàn cầu tan đi và mặt trời lại tỏa sáng.
Phải thừa nhận rằng, tăng trưởng của nước ta trong khoảng một thập kỷ rưỡi qua chủ yếu dựa vào dòng vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tài chính lớn, nhưng bản thân các công ty, doanh nghiệp lại chưa mạnh lên trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Nếu coi cuộc suy thoái kinh tế thế giới là một hồi chuông cảnh tỉnh, thì chí ít nó cũng đạt được một mục đích tốt: Không nên để mục tiêu tăng trưởng GDP trở thành nỗi ám ảnh. Tốc độ tăng trưởng là cần thiết, nhưng chất lượng tăng trưởng mới là mục tiêu lâu dài.
Đan Thanh