Chất lượng sống tốt
(ANTĐ) - Mục tiêu cuối cùng của tất cả các chính sách và nỗ lực của Chính phủ là nâng cao thu nhập và chất lượng sống của mỗi người dân. An sinh xã hội là một trong những mục tiêu được cụ thể hóa trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và kế hoạch 10 năm. Muốn cho chất lượng sống tốt hơn, không có cách nào khác là hạn chế, sức ép trong y tế, giáo dục, bấp bênh trong việc làm và những nỗi lo khác.
Sau nhiều năm đô thị hóa, các thành phố lớn và đô thị Việt Nam đã đổi thay đến mức khó nhận ra, phát triển mạnh về chiều rộng (quy mô, số lượng), nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bước vào thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ, nước ta cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến sự phát triển chiều sâu trong chất lượng sống, song hành cùng sự tăng trưởng kinh tế-xã hội-môi trường, kể cả môi trường sống và môi trường văn hóa.
Bất kỳ đô thị nào cũng nảy sinh những bất cập khó tránh khỏi, vấn đề ở chỗ đừng để chúng đến mức trầm trọng và kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thông thường hàng năm, chính quyền các thành phố lại công bố số liệu thống kê những thành quả đạt được. Nhìn vào những con số ấn tượng, các biểu đồ tăng trưởng, có thể thấy được một phần chất lượng sống của một thành phố.
Ngay cả các số liệu được coi là chính xác thì thật ra chúng cũng không thể phản ánh chân thực chất lượng sống của người dân. Bởi vậy, khi nghiên cứu về chất lượng sống đô thị, các nhà xã hội học không mấy khi bước vào các siêu thị, trung tâm thương mại, các tòa nhà cao ốc hay các chung cư cao cấp. Họ thường len lỏi vào những góc khuất, mặt trái của đô thị để phát hiện và ghi nhận những góc cạnh không bao giờ có hoặc có nhưng mơ hồ trong các báo cáo thống kê.
Ở đó, họ tiếp cận, lắng nghe và thấu hiểu cảm nhận, tâm tư và nguyện vọng của người dân, từ đó mới có thể “chụp” được chân dung hay chân thật đời sống đô thị. Trong khi chính quyền quan tâm làm sao có được GDP tăng trưởng hai con số, làm sao các dự án đầu tư tăng theo hàng năm thì người dân lại rất quan tâm đến giá cả ngoài thị trường, làm sao với thu nhập “còm” mà vẫn phải lo bữa ăn hàng ngày của gia đình mình không quá đạm bạc.
Khi báo chí, truyền hình đưa tin các lễ động thổ, cắt băng khánh thành các công trình lớn thì người dân lại thường chỉ nghĩ đến ngôi trường, nơi con em họ học tập; con đường, nút giao thông mà họ hàng ngày vẫn phải đi về. Không ít quốc gia đặt tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu và trở thành mục tiêu duy nhất phải đạt được. Tiếc thay, sau khi đạt được tăng trưởng kinh tế cao, quay đầu nhìn lại thì cái giá phải trả quá đắt. Từ đó ra đời khái niệm “tăng trưởng âm”.
Từ thực tế các nước đi trước, nước ta đã bắt đầu “ngộ” ra một bài học kinh nghiệm rằng, hoàn toàn có thể tạo ra một xã hội tốt, một đô thị có chất lượng sống đảm bảo ngay cả khi thu nhập bình quân đầu người chưa đạt 1.000USD. Không cần đợi đến khi thật nhiều tiền mới chăm lo cho y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và đời sống tinh thần. Một quốc gia cũng giống như một gia đình, không nên giàu xổi quá nhanh, chỉ cần khấm khá một chút nhưng chất lượng sống tốt, ai cũng được hưởng thụ bình đẳng an sinh và phúc lợi xã hội.
Đan Thanh