“Chất lượng” cử tri

(ANTĐ) - Ngày mai, hàng triệu cử tri trên mọi miền đất nước sẽ trân trọng cầm lá phiếu sáng suốt lựa chọn người đại diện vào cơ quan quyền lực cao nhất, Nói rằng, ngày bầu cử Quốc hội là ngày hội của toàn dân chỉ là nói về không khí hào hứng, náo nức. Cần phải nói rõ rằng, đây là một sự kiện chính trị quan trọng mà mỗi cử tri phải nghiêm túc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình.

“Chất lượng” cử tri

(ANTĐ) - Ngày mai, hàng triệu cử tri trên mọi miền đất nước sẽ trân trọng cầm lá phiếu sáng suốt lựa chọn người đại diện vào cơ quan quyền lực cao nhất, Nói rằng, ngày bầu cử Quốc hội là ngày hội của toàn dân chỉ là nói về không khí hào hứng, náo nức. Cần phải nói rõ rằng, đây là một sự kiện chính trị quan trọng mà mỗi cử tri phải nghiêm túc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình.

Lá phiếu bầu cử thực sự có “sức nặng” quyết định vận mệnh của đất nước thời hội nhập, trong đó có vận mệnh của mỗi người dân. Với những tiêu chuẩn ứng cử viên đã được “sàng lọc” qua ba cuộc hiệp thương, nếu mỗi cử tri thực hiện quyền công dân “chọn mặt gửi vàng” một cách chuẩn xác, cùng với những cam kết của từng đại biểu đắc cử biến thành hành động thì Quốc hội mới thực sự là nơi quy tụ đầy đủ nhất sức mạnh và ý chí của toàn dân.

Cân nhắc, lựa chọn và đi đến quyết định luôn là một việc không dễ dàng. Nhất là khi cầm bút quyết định “bầu ai”, “bỏ ai”. Đương nhiên, 800 ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều hội đủ phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực đảm đương trọng trách đại biểu Quốc hội. Song, khi lựa chọn những người xứng đáng nhất, xuất sắc nhất, vừa đủ đức vừa đủ tài để nhân dân giao phó quyền lực, hết lòng vì dân, vì nước, đòi hỏi  mỗi cử tri phải thực sự có ý thức rất cao.

Trong suốt thời gian chuẩn bị bầu cử, mọi công việc đều tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có một vấn đề dường như ít được quan tâm tới. Đó là trách nhiệm của các cử tri. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã từng  nhắc nhở các địa phương không nên chạy theo “thành tích”, bầu nhanh, bầu cho xong để đạt tỷ lệ 100%. ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, các hội đồng bầu cử các cấp đã lưu ý tới tình trạng “bầu hộ”, “bầu thay” từng diễn ra không ít trong các cuộc bầu cử Quốc hội trước đây.

 Mọi bước chuẩn bị dù làm tốt đến đâu, mọi hình thức tuyên truyền, vận động dù sôi nổi, náo nhiệt đến đâu, nhưng kết quả cuối cùng có thực chất và có mang ý nghĩa dân cử hay không chính là trông chờ vào mỗi lá phiếu của cử tri. Dân trí cao hay thấp, “văn hóa chính trị” của một xã hội thể hiện đầy đủ và chính xác trong “chất lượng” cử tri. Cử tri luôn đòi hỏi các đại biểu Quốc hội thực thi đầy đủ, trọn vẹn lời hứa của mình khi đắc cử.

Lá phiếu của mỗi cử tri thẩm định tài - đức của từng ứng cử viên chính là bước khởi đầu hết sức quan trọng quyết định “chất lượng” của từng đại biểu Quốc hội làm nên chất lượng của Quốc hội nhiệm kỳ hội nhập. ý nghĩa sâu sắc của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII này thật to lớn.

Đan Thanh