Chất lượng công trình giao thông có vấn đề: Lỗi vẫn tại khách quan?

ANTĐ - Liên tiếp các công trình đường sá, cầu cống có “vấn đề” không khỏi khiến dư luận bức xúc. Bộ GTVT đã và đang mạnh tay loại bỏ một số nhà thầu yếu kém, ngăn chặn vật liệu không đảm bảo, nhưng chất lượng đường sá, công trình giao thông có tốt hơn?

Bộ GTVT cho biết, sửa đi sửa lại mặt cầu Thăng Long là do công nghệ mới

Mặt đường lún, mặt cầu cũng lún

Đường Vành đai 3 trên cao, công trình cầu cạn hiện đại bậc nhất cả nước, nhưng chỉ vừa đưa vào khai thác một thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Rồi, đến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường cao tốc hiện đại đầu tiên ở Hà Nội sau một thời gian khai thác cũng bị lún, bong tróc, ổ voi ổ gà. Hay như dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 14, đang trong quá trình thi công nhưng đã phát hiện một số gói thầu không đảm bảo tiêu chuẩn gây hư hỏng mặt đường. Gần đây nhất là Quốc lộ 1A đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, mặc dù vừa đưa vào sử dụng giai đoạn 2010-2013 nhưng đã xuất hiện lún, hư hỏng. Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm điểm từ đơn vị quản lý như Ban quản lý dự án đến Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn nhưng các nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn xã hội hóa vẫn ưu tiên cho các công trình giao thông, nhưng chất lượng không tương xứng khiến dư luận bức xúc.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT ) nhìn nhận, 2 năm trở lại đây, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện rất nhiều, từ các tuyến tỉnh lộ đến Quốc lộ. Từ các dự án mới hoàn thành đến dự án đã khai thác lâu, hiện tượng này ảnh hưởng đến ATGT, có thể gây TNGT cho các phương tiện. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, đây là vấn đề “nóng” trong việc quản lý chất lượng của ngành GTVT. 

Chưa chắc chắn sẽ tốt hơn

Dù vậy, những nguyên nhân gây hiện tượng hằn lún mặt cầu đường được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu vẫn do khách quan. Như, do hiện tượng xe quá tải hoạt động nhiều, do chất lượng nhựa đường chưa được kiểm soát. “Toàn bộ nhựa đường chúng ta phải nhập khẩu, nhưng lại không kiểm soát được nguồn gốc nhập từ đâu, chất lượng ra sao. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công an và Bộ Công Thương đề nghị giúp đỡ, kiểm soát vấn đề này”, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay. Hơn nữa, từ nay trở đi, mặt thảm sẽ tổ chức đấu thầu một gói riêng, không nằm trong tổng thể dự án, chỉ một số nhà thầu được tham gia thi công phần việc này.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân như do cốt liệu (cát, dăm) mặc dù khi thí nghiệm thì đạt, nhưng khai thác tại mỏ lại không đạt. Nguyên nhân do thời tiết và do thiết kế chưa chuẩn cũng được Bộ GTVT xem xét đến song không phải là yếu tố quyết định?. Bộ GTVT cũng đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện trường hợp nào “bớt xén” nguyên vật liệu dẫn đến đường sá nhanh xuống cấp. 

Mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào “ăn bớt” nguyên vật liệu, song lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ ra, đang xảy ra hiện tượng công ty mẹ, công ty con, công ty cháu, chắt trong đấu thầu. “Các nhà thầu sau khi trúng thầu đã mời các nhà thầu phụ tham gia. Các nhà thầu phụ này lại tiếp tục mời nhiều nhà thầu phụ khác. Cùng một dự án nhưng rất nhiều nhà thầu tham gia, rất khó kiểm soát”. Bộ GTVT đã kiến nghị, một dự án thì không nên cho quá nhiều nhà thầu phụ tham gia để quá trình kiểm soát được chặt chẽ hơn. Nhưng, lãnh đạo Bộ GTVT cũng không chắc chắn, sau một loạt các giải pháp này thì chất lượng đường sá mà cụ thể là tình trạng hằn lún vệt bánh xe sẽ được khắc phục triệt để.

Cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng. Đến nay đã có 7 dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, 19 công trình đang trong giai đoạn thực hiện, chuẩn bị hoàn thành, khởi công và đầu tư. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội đang có 10 công trình giao thông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trong đó có 3 dự án lớn là cao tốc Nội Bài- Lào Cai, QL3 mới Hà Nội- Thái Nguyên và Nhà ga T2 Nội Bài.