Chặn đứng những nguy cơ chết người trên sông nước

ANTD.VN - Trong những ngày này, mưa thượng nguồn liên tiếp đổ xuống khiến mực nước sông Hồng dâng cao. Mới chớm mùa mưa bão song đã có liên tiếp 2 cơn bão lớn, gây ảnh hưởng, thiệt hại trên diện rộng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy của lực lượng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Thủ đô đang được triển khai quyết liệt hơn lúc nào hết.

Chặn đứng những nguy cơ chết người trên sông nước ảnh 1Cảnh sát đường thủy luôn sẵn sàng đảm bảo ATGT trên các tuyến sông Hà Nội

Không thể đùa giỡn với “thủy thần”

Ngay sau khi cơn bão số 3 tan, mực nước sông Hồng càng lên cao hơn bởi ảnh hưởng từ lũ quét ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khiến cho lượng nước từ thượng nguồn đổ về với tốc độ chảy rất mạnh. Việc tàu thuyền lưu thông trên sông Hồng trong thời điểm này được xem là khá nguy hiểm.

Đối với những phương tiện chở vật liệu xây dựng, rất hiếm ai chở quá nặng cũng như lưu thông trong điều kiện thời tiết xấu như vậy, đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chiếc tàu NB 2444 có trọng tải lên đến 300 tấn, do lái tàu Vũ Mạnh Hùng, ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình điều khiển lại không nghĩ vậy. 

9h sáng 22-8, lái tàu Vũ Mạnh Hùng điều khiển con tàu NB 2444 chở hàng trăm tấn cát vàng từ thượng nguồn xuôi về phía hạ lưu. Dù đi xuôi dòng song trong điều kiện dòng nước chảy xiết đặc biệt là chở khá nặng, mức nước trên dòng sông mấp mé vành thuyền. Khi đi đến km183, gần khu vực cầu Chương Dương, do bị dò nước dẫn đến tàu bị mất lái. Chỉ ít phút bị nghiêng, nước nhanh chóng tràn vào khoang và nhấn chìm con tàu.

Dòng nước xoáy khiến con tàu bị hút xuống lòng sông mất tích. May mắn, anh Vũ Mạnh Hùng cùng với 2 thuyền viên khác đã nhanh chóng nhảy ra khỏi con tàu đắm, vật lộn với dòng nước xoáy cố sức bơi vào bờ thoát chết. Đến thời điểm này, mực nước cao cộng với dòng chảy mạnh nên công tác tìm kiếm, trục vớt con tàu gặp nạn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Không may mắn như anh Hùng và 2 thuyền viên, ít ngày trước đó, một vụ lật thuyền cũng đã khiến 4 người bị chìm xuống sông Hồng. Thời điểm đó, anh Nguyễn Văn Trường (SN 1985), ở huyện Ba Vì (Hà Nội) điều khiển xuồng máy tại khúc sông Đà, chở anh Nguyễn Văn Bảy (SN 1971), chị Nguyễn Thị Lợi (SN 1964) và chị Nguyễn Thị Chí (SN 1968), từ thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì sang bên kia sông thuộc xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Chiếc xuồng đi đến giữa sông, bất ngờ bị sóng to gió cả khiến cho mất lái, lật úp. Do biết bơi nên anh Bảy và anh Trường đã thoát chết. Tuy nhiên, 2 nạn nhân còn lại là chị Lợi và Chí đã bị dòng nước cuốn trôi. Phải sau nhiều nỗ lực, thi thể chị Chí mới được tìm thấy và lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa

Khẳng định công tác tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) luôn được đơn vị quan tâm, khi được hỏi về những nguy cơ xảy ra tai nạn trên sông, Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội CSĐT số 3, Phòng CSĐT - CATP Hà Nội đánh giá: “Nhất thủy, nhì hỏa. Câu nói này của người xưa dường như đã phản ánh hết những nguy hiểm, tác hại, hậu quả do mưa lũ, sông nước gây ra. Ngay cả trong điều kiện thời tiết đẹp thì cũng chẳng có lái tàu, thuyền nào dám khẳng định phía dưới làn nước tưởng chừng như êm đềm là điều gì đang chờ đợi họ, chứ chưa nói khi mưa lũ”.

Qua tìm hiểu thực tế, ở những đoạn sông hẹp hoặc quanh co, gấp khúc, mức độ nguy hiểm càng tăng cao bởi dòng nước ở những nơi này diễn biến rất bất thường. Đoạn sông Hồng thuộc khu vực huyện Ba Vì chảy xuôi về đến địa phận bến Chương Dương (Hoàn Kiếm), thuộc sự quản lý của các Đội CSĐT số 1 và số 2 là những khu vực dễ xảy ra tai nạn nhất. 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, trong những năm qua số lượng tàu thuyền bị chìm đắm do các yếu tố tai nạn, va chạm đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có những vụ TNGT, hay sự cố liên quan đến tàu thuyền, gây thiệt hại cả người và tài sản. Lực lượng CSĐT lúc nào cũng bám sông, bám mặt nước, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường phòng ngừa, nhưng muốn có sự an toàn phải đến từ nhiều phía. Từ các cơ quan chức năng đến người dân, các lái tàu, thuyền viên... phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. Và hơn ai hết, mỗi CBCS Cảnh sát đường thủy quản lý địa bàn phải đẩy mạnh tuần tra, tuyên truyền, xử lý các vi phạm, triệt tiêu những nguy cơ, mới mong đảm bảo tuyệt đối ATGT đường thủy.