Chặn "cát tặc" lộng hành

ANTD.VN - Giáp ranh các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ, huyện Ba Vì (Hà Nội) có tuyến sông Hồng, sông Đà chảy qua với chiều dài hơn 47km. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho “cát tặc” hoạt động. Trước tình hình đó, CAH Ba Vì đã chủ động các biện pháp, phương tiện phòng ngừa, đấu tranh, từng bước giải quyết dứt điểm hiện tượng này.

CAH Ba Vì bắt giữ tàu hút cát trái phép đưa về tạm giữ tại cảng Sơn Tây

Lợi dụng địa bàn giáp ranh

Theo thống kê, tuyến đê trên địa bàn huyện Ba Vì có 22 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, từ đó dễ phát sinh các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản lòng sông trái phép, vi phạm hành lang đê điều.

Các tháng đầu năm 2016, CAH đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, thị trấn tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát nắm tình hình địa bàn; tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và hoạt động bãi chứa trung chuyển, kinh doanh VLXD trái phép. 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng CAH Ba Vì cho biết, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp; tàu thuyền không có đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, cũ nát vẫn hoạt động.

Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ để khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa và gây mất ANTT trên địa bàn.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, CAH Ba Vì đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý gần 20 vụ với hơn 20 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn; tạm giữ hơn 10 tàu hút, nhiều máy xúc, gần 20 đầu nổ, đường ống hút; ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Điển hình, hồi 6h30 ngày 8-6, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang: Lê Thanh Hải (SN 1967) và Phan Văn Tuân (SN 1970), cùng ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đang vận hành phương tiện hút cát trái phép tại vị trí lòng sông thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì.

Cùng ngày, tổ công tác CAH bắt quả tang Phan Bá Tập (SN 1979, ở xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Bá Luyện (SN 1979, ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì) vận hành phương tiện hút cát trái phép tại địa phận thôn La Thượng, xã Tản Hồng. 

Trả lại sự bình yên cho dòng sông

Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, quá trình thực hiện các đợt cao điểm và kế hoạch truy quét “cát tặc”, lực lượng chức năng đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như hoạt động xa bờ, sử dụng tàu thuyền tự chế để qua mắt lực lượng chức năng.

Chưa kể thời điểm hút cát trái phép chủ yếu diễn ra ban đêm hoặc rạng sáng hay vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ… Đặc biệt, không đơn giản khi xác định địa giới hành chính để làm căn cứ xử lý các đối tượng vi phạm tại các khu vực giáp ranh. 

Để khắc phục vấn đề này, CAH Ba Vì đã chủ động mua sắm thiết bị định vị, gắn GPS nhằm phục vụ công tác phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Đà chảy qua địa bàn huyện. Qua sử dụng công cụ chuyên dụng này, chỉ trong một thời gian ngắn, CAH Ba Vì đã đẩy lùi được tình trạng khai thác cát trái phép, trả lại sự bình yên cho dòng sông.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết Kế hoạch của CATP về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông thuộc địa bàn thành phố; CAH Ba Vì được biểu dương là đơn vị dẫn đầu thực hiện kế hoạch, bắt giữ được nhiều vụ khai thác cát trái phép. Sự chủ động, quyết liệt của CAH Ba Vì, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng đã từng bước trả lại sự bình yên cho gần 50km sông, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.