Chống dịch lợn tai xanh tại Hải Dương:
Chậm trễ, thiếu trách nhiệm
(ANTĐ) - Tại đợt dịch lợn tai xanh năm nay, Hải Dương dù là điểm xuất hiện đầu tiên với tốc độ lây lan trên đàn lợn tương đối nhanh nhưng công tác thú y nơi đây dường như vẫn còn rất chểnh mảng. Lợn bệnh được người dân vứt tràn lan, bừa bãi ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Anh Trung thẫn thờ bên đàn lợn bị thiệt hại gần hết vì dịch bệnh |
Cả xã “bốc” mùi lợn chết
Còn nhớ năm 2007, dịch lợn tai xanh bùng phát dữ dội tại các tỉnh miền Bắc có khởi nguồn từ tỉnh Hải Dương. Năm đó, từ Hải Dương, dịch đã lan ra 324 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hải Dương trong đợt dịch tai xanh năm 2007 đã khiến 14.000 con lợn bị nhiễm bệnh, nông dân đã phải bỏ chuồng một thời gian dài. Còn tại thời điểm này, báo cáo của Chi cục Thú y Hải Dương cho thấy, đã có 38 xã thuộc 5 huyện có dịch tai xanh làm gần 6.000 con lợn bị nhiễm bệnh.
Dịch tai xanh năm nay, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, một trong những xã khởi điểm phát bệnh đầu tiên trên địa bàn Hải Dương, lợn bệnh bị chết được người dân vứt bừa bãi, tràn lan trên các kênh, mương dẫn nước, hai bên sông chạy dọc đường làng.
Dù sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu xử lý nghiêm các địa phương có dịch nhưng không thực hiện chống dịch theo quy định, để người dân vứt lợn bệnh bừa bãi, chính quyền xã Thạch Lỗi mới tổ chức lực lượng đi thu gom lợn chết vứt bừa bãi ngoài đồng, bờ mương để tiêu hủy. Song, lợn chết được vứt bừa bãi đã khá lâu ngày, đã bị phân hủy nặng. Do đó, dù đã tổ chức thu gom để tiêu hủy song khắp các làng thuộc xã Thạch Lỗi hiện vẫn đang “bốc” mùi lợn chết.
Trong khi đó, ngày 18-4 vừa qua, một ổ dịch tả đã xuất hiện ở thôn Bằng Trai (xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương), với 16 bệnh nhân bị tiêu chảy sau khi ăn cỗ tại đám tang.
Anh Vũ Ngọc Trung, xã Thạch Lỗi, một trong những chủ trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn xã lo lắng, năm 2007, dịch tai xanh xuất hiện khiến chăn nuôi của gia đình bị đình đốn. Năm nay, đàn lợn vừa mới phát triển trở lại, với gần 100 con lợn mẹ và lợn con thì lại tiếp tục có dịch.
Theo anh Trung, gia đình anh phải tiêu hủy khoảng 1,5-1,7 tấn lợn, ước trị giá khoảng 70 triệu đồng đã bị mất trắng. “Vài năm lại một lần bị dịch bệnh, người chăn nuôi như chúng tôi cũng kiệt sức. Sau đợt dịch này đi qua, giá lợn giống sẽ lại bị đẩy lên cao chót vót, có thể lên tới 45-50.000 đồng/kg lợn giống, trong khi vào thời điểm bình thường chỉ có 32-33.000 đồng/kg” - anh Trung lo lắng.
Không để chậm trễ chống dịch
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi - ông Vũ Thạch Bồn, khi xảy ra dịch, lực lượng tham gia phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Khi lợn chết, lực lượng an ninh xã, thú y viên đều từ chối tham gia tiêu hủy. Điều này khiến chủ hộ chăn nuôi có lợn chết bệnh vứt lợn ra bãi rác, sông, hồ, không chôn lấp.
Theo ông Bồn, nguyên nhân chủ yếu là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Trong khi trên địa bàn xã có 15-20 hộ chuyên buôn bán lợn con, nên việc kiểm soát lưu thông đối với các hộ này gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Bình Giang, một ổ dịch khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến thời điểm này vẫn chưa được khống chế. Lợn bị nhiễm bệnh và chết tiếp tục xảy ra ở các xã như Vĩnh Tuy, Bình Minh… Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Trạm trưởng Thú y huyện Bình Giang, do thời tiết thay đổi liên tục nên hiện vẫn có lợn ốm chết.
“Ngày 20-4 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 25.000đ/kg lợn nái và 18.000đ/kg lợn giống cho những hộ có lợn bị dịch. Quy định này chỉ áp dụng với những đàn lợn tiêm phòng vaccine ba mũi theo chỉ đạo của tỉnh, còn hộ nào không tiêm phòng vaccine thì không được hỗ trợ” - ông Anh nói.
Cục Thú y cho biết, hiện dịch tai xanh đã bùng phát tại 6 tỉnh, thành ở miền Bắc, làm hơn 23.000 con lợn bị nhiễm bệnh. Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y lo ngại, năm 2007 dịch tai xanh cũng khởi điểm bùng phát tại Hải Dương rồi lan rộng rãi ra các tỉnh. Năm nay, dịch cũng đã bùng phát đầu tiên tại đây, Hải Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ chăn nuôi cao. Trong khi đó, chính quyền cơ sở và lực lượng thú y địa phương lại chậm trễ trong việc phát hiện và công bố dịch.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa qua đã có cuộc họp khẩn với 6 tỉnh để bàn biện pháp đẩy lùi dịch tai xanh trên lợn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, diễn biến dịch tai xanh trong giai đoạn hiện nay là nghiêm trọng, có nguy cơ lây lan diện rộng.
Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt phòng, chống dịch. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngoài biện pháp xử lý hành chính, các địa phương cần có biện pháp về kinh tế, điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp, không để vì thiếu kinh phí mà công tác phòng, chống dịch tại các địa phương không có hiệu quả.
Ngân Tuyền