Cắt giảm báo cáo, bớt gánh nặng hành chính

ANTD.VN - Thành phố Hà Nội yêu cầu giảm ít nhất 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý nhằm làm giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, trong năm 2015, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã phải thực hiện tới hơn 2 triệu báo cáo các loại, với 5,3 triệu bản in, trong đó có 3,3 triệu bản in gửi các cơ quan liên quan để biết. 

Cắt giảm báo cáo, bớt gánh nặng hành chính ảnh 1Hà Nội sẽ cắt giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ

Báo cáo tràn lan gây tốn kém

Bộ Tư pháp cho biết, thời gian trung bình làm báo cáo của các bộ, ngành chiếm 25,04% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ; của chính quyền địa phương các cấp chiếm 26,12% (cá biệt có tỉnh lên tới 70%). Chi phí để in ấn báo cáo cũng rất tốn kém. Thông thường, một bản báo cáo 6 tháng, một năm được thực hiện trên khoảng 10 trang giấy A4, báo cáo chuyên đề khoảng 2 - 3 trang A4. Với chi phí từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/gram giấy (khoảng 500 tờ), chi phí để in hàng triệu bản in báo cáo hàng năm là rất lớn.

Cũng theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, công tác báo cáo hành chính đang diễn ra hết sức tùy tiện, thiếu ổn định và thiếu tính thống nhất, làm mất rất nhiều thời gian xử lý, thực hiện của các cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, đồng thời cũng là tác nhân làm giảm sút tính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. 

Theo đại diện Bộ Tư pháp, cải cách chế độ báo cáo là yêu cầu tự thân của chính các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước. Đơn giản hóa chế độ báo cáo sẽ giúp tiết kiệm tối đa thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo không thực sự cần thiết, cắt giảm tối thiểu 15-20% số lượng báo cáo và tần suất báo cáo. Bộ Tư pháp đề nghị, từ giữa năm 2017 trở đi, sẽ thay đổi phương thức yêu cầu báo cáo, gửi - nhận báo cáo từ bản giấy sang báo cáo điện tử nhằm rút ngắn thời gian xây dựng báo cáo, tiết kiệm tối đa chi phí văn phòng, cước phí bưu chính. Chỉ tính 70% đơn vị thực hiện chuyển đổi phương thức, số tiền tiết kiệm được ước đạt 199 tỷ đồng/năm. 

Bước sang giai đoạn hai, khi đã thiết lập xong Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, toàn bộ báo cáo hành chính sẽ được thực hiện trên hệ thống. Nếu chỉ tính thời gian thực hiện báo cáo giảm ở mức thấp nhất là 50% thì chi phí tiết kiệm thêm hàng năm ước đạt trên 526 tỷ đồng.

Lược bỏ trùng lặp, tiết kiệm chi phí

Thực hiện các yêu cầu trên, từ lâu, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo điện tử qua đường e-mail. Tới nay, Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, 90% văn bản của thành phố được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). 

“Việc đơn giản hóa chế độ báo cáo nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ về chế độ báo cáo; đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, kỳ và thời hạn gửi báo cáo theo quy định; sử dụng thống nhất nguồn thông tin từ các báo cáo; phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Tiếp tục cải cách chế độ báo cáo, ngày 14-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý. Cần lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, làm giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí.

Cùng đó, thành phố yêu cầu xây dựng phân hệ phần mềm báo cáo; đảm bảo sự kết nối, liên thông và chia sẻ quản lý, cập nhật và khai thác sử dụng hiệu quả; mẫu, biểu báo cáo được tối ưu hóa, phù hợp với yêu cầu báo cáo của từng cấp quản lý, phục vụ có hiệu quả hoạt động báo cáo.

UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo hệ thống hóa toàn bộ các báo cáo, chế độ báo cáo theo ngành, lĩnh vực phụ trách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc yêu cầu thực hiện. Căn cứ vào danh mục báo cáo, chế độ báo cáo đã được hệ thống hóa, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.