Cảnh giác với “bẫy” nuôi gián đất

ANTĐ - Gián đất là loài gây hại, vừa truyền một số loại bệnh vừa làm hư hỏng đồ vật. Thế nhưng, hiện nay một số hộ nuôi gián đất tại Bắc Ninh lại rao bán trên mạng Internet, quảng cáo, mục đích nuôi gián để xuất khẩu sang Trung Quốc làm dược liệu?

Không xử lý nghiêm, sau gián sẽ còn những con vật “lạ” gì được nhập về Việt Nam?
Ảnh: T.Quang

Gián đất có thể làm thuốc?

Trên website: thegioicontrung.info có nhiều giới thiệu về công dụng của loại côn trùng đang được nuôi “lậu” ở Việt Nam. Trang web này cho hay, gián đất được người Trung Quốc sử dụng làm thuốc từ khá lâu,  vài năm trở lại đây, loài này được biết đến như một phương thuốc giúp làm đẹp. Cũng theo lời quảng cáo từ trang mạng này, sau khi nông dân nhập giống từ đây về nuôi sẽ được bao tiêu hoàn toàn sản phẩm đầu ra…

Gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên (Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh) là hộ gia đình đầu tiên nuôi giống gián đất cho biết: “Sau khi được người bạn đi Đài Loan về giới thiệu mô hình nuôi gián đất đang rất phổ biến ở Trung Quốc, gia đình tôi đã lặn lội sang bên đó học tập và quyết định lấy xưởng cơ khí để làm nơi nuôi loài côn trùng này. Đến tháng 8-2013, gia đình tôi dành gần 200m2 đất để nuôi hơn 1 tạ trứng giống tương ứng với cả triệu con, hiện nay chúng đã nở thành con và đang trong giai đoạn phát triển”. 

Thậm chí, “ổ gián” của gia đình ông Nguyên còn được một người Trung Quốc gốc Việt là Giang  Triệu Vinh sang tận nơi tư vấn cách chăm nuôi. Theo ông Vinh, gián đất là loại dễ nuôi, ban đầu chỉ cần một ít vôi trộn lẫn với đất, cám ngô, cám gạo cho vào khay hoặc chậu nhựa để ươm trứng (trứng nhỏ màu đen giống hình hạt dưa hấu); sau vài tháng trứng sẽ nở thành con và phát triển dần trong vòng 6-7 tháng và trải qua 11 lần lột xác là có thể thu hoạch được. Gián đất là loài ăn tạp nên có thể kết hợp giữa các loại cám ngô, gạo, rau xanh và bí ngô xay nhỏ vài ngày cho ăn một lần nên không tốn kém nhiều.

Cũng theo lời giới thiệu của ông Vinh sau khi gián trưởng thành, đem sấy khô rồi xuất bán sang Trung Quốc để làm dược liệu. “Trung Quốc đã nuôi gián từ rất lâu để làm thuốc và gần đây dùng để chế biến mỹ phẩm. Thậm chí, thuốc từ gián đất còn phòng cả bệnh ung thư”, ông Vinh cho hay.

Không xử lý nghiêm dễ… nhờn!

Theo các tài liệu đông y, gián đất có vị mặn, tính lạnh, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh lợi sữa, viêm loét miệng, tê cứng lưỡi, lao hạch, thậm chí còn dùng làm kem đắp mặt dưỡng da và chữa bệnh đau dạ dày, ung thư. Gián đất có hai loại với tên khoa học là kim biền (thân dài) và địa miết trùng (thân tròn), được nuôi nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô của Trung Quốc. Ước tính tại Trung Quốc, hiện có hàng triệu con gián đất được nuôi với giá bán khoảng 40 USD/kg gián sấy khô. Loài sinh vật này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm. 

Tuy nhiên, tại văn bản trả lời Sở NN&PTNT Bắc Ninh, Bộ NN&PTNT khẳng định, đến nay, chưa có bất kỳ tài liệu khoa học chính thức nào tại Việt Nam chứng minh công dụng chữa bệnh của gián đất. Vào tháng 

8-2013, một trang trại nuôi gián đất trên địa bàn thị xã Đại Phong, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị xổng chuồng gần 1 triệu con ra bên ngoài. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc phải cử các nhà điều tra tới khu vực để lên kế hoạch tiêu diệt số gián thoát ra này.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ, gián đất là loại côn trùng sống ở môi trường tự nhiên rất tốt, khả năng sinh sản nhanh, là loại côn trùng có hại, nguy cơ gây hại tới môi trường rất cao, cần phải tiêu hủy.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, việc tự ý nuôi gián đất là vi phạm pháp luật, nếu không xử lý nghiêm, tới đây lại có thêm một số sinh vật gây hại khác nhập vào Việt Nam, gây hại cho môi trường. Trước đây, chúng ta đã có bài học đắt giá đối với ốc bươu vàng và mới nhất là câu chuyện về con chồn nhung đen... 

Các cơ quan chức năng từ Bộ NN&PTNT đến UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở NN&PTNT… cần vào cuộc một cách có trách nhiệm để nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số gián đang được nuôi bất hợp pháp, đồng thời, tuyên truyền để nông dân trên cả nước hiểu được mối nguy từ loại côn trùng này cũng như không rơi vào “bẫy” thu mua, bao tiêu sản phẩm từ thương lái nước ngoài.