Nguy cơ dịch cúm H7N9 xâm nhập:

Cảnh giác nhưng không hoang mang

ANTĐ - Trước đề xuất từ Bộ Y tế và các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc tại Việt Nam về việc thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống cúm gia cầm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ cân nhắc nếu thấy thực sự cần thiết. 
Cảnh giác nhưng không hoang mang ảnh 1
Công tác phòng dịch tại các cửa khẩu sẽ được tăng cường,
tránh tình trạng xâm nhập các chủng virut cúm mới
(Trong ảnh: Phun thuốc phòng dịch tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai)


Hai khả năng cúm H7N9 xâm nhập

Trước nguy cơ xâm nhập, lây lan và bùng phát mạnh của dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, sáng 23-2, Bộ Y tế đã họp trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tính đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 306 trường hợp mắc cúm A/H7N9, 67 ca tử vong. Việt Nam dù chưa có ca mắc nhưng có thể bị dịch xâm nhập bất cứ lúc nào. “Thực tế từ trước đến nay, cứ Trung Quốc có dịch bệnh gì thì Việt Nam có dịch đó. Việc ngăn chặn được dịch H7N9 đến thời điểm này có thể nói đã là bước đầu thành công” – ông Trần Đắc Phu nói. 

Nhận định về nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam, ông Tekeshi Kansai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nằm trong số những nước có nguy cơ dịch xâm nhập lớn nhất. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy virus H7N9 lưu hành ở Việt Nam cả trên gia cầm lẫn trên người. Tuy nhiên, dịch có thể xâm nhập qua 2 khả năng: người bệnh tới từ Trung Quốc hoặc gia cầm nhiễm bệnh từ vùng có dịch tràn vào. Như vậy, những tỉnh biên giới giáp ranh Trung Quốc và những địa phương có lượng khách quốc tế từ Trung Quốc sang đông sẽ có nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát cao nhất. 

Đồng tình với quan điểm này, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tỉnh này đã chỉ đạo trực kiểm soát việc nhập khẩu gia cầm  24/24h tại 14 chốt chặn quan trọng, tuy nhiên khả năng bị “lọt” gia cầm lậu mang virus vẫn rất lớn bởi đường biên giới dài nên khó kiểm soát triệt để. Tương tự, tại tỉnh Đồng Tháp - nơi đã có 1 bệnh nhân tử vong vì virus cúm gia cầm A/H5N1, bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết địa phương này đã thành lập trạm kiểm dịch để kiểm tra gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới nhưng hầu như không thể kiểm soát hết được gia cầm vận chuyển qua đường tiểu ngạch.

Có nên thành lập Ủy ban quốc gia?

Với diễn biến nói trên, WHO, Tổ chức lương nông Liên hợp quốc (FAO) kiến nghị Việt Nam nên thành lập Ủy ban phòng chống cúm quốc gia để chủ động ứng phó với dịch. Đây cũng là ý kiến đề xuất của Bộ Y tế. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ cân nhắc việc này. Tuy nhiên, việc thành lập Ban chỉ đạo hay Ủy ban quốc gia chỉ làm khi thực sự cần thiết. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, riêng về phòng chống cúm gia cầm, hiện tại Việt Nam đã có 2 Ban chỉ đạo cấp quốc gia là Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm trên gia cầm và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm trên người. Việc có thành lập Ủy ban quốc gia nữa hay không thì điều quan trọng nhất vẫn phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch. Nếu phối hợp chặt chẽ từ các công đoạn thì chắc chắn sẽ hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu công tác chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm tới đây phải quyết liệt hơn nữa, phương châm chỉ đạo phải “cụ thể và trách nhiệm”. “Bộ Y tế báo cáo hiện 30 tỉnh biên giới có máy đo thân nhiệt hành khách nhưng 9 máy đã hỏng. Như vậy, ngành phải chủ động đề xuất để mua thêm máy nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch, đồng thời cũng phải xem trách nhiệm bảo quản, tu sửa máy móc đến đâu, hay bình thường bỏ đó đến khi có dịch mới lôi ra và báo cáo là hỏng” – Phó Thủ tướng phân tích. Cũng theo Phó Thủ tướng, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các Bộ ngành phải chủ động công khai thông tin, chủ động cung cấp thông tin về dịch cho báo chí một cách chính xác, đầy đủ, khách quan để tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân. Tuyên truyền đúng về dịch sẽ giúp nhân dân cảnh giác cao độ với dịch nhưng không quá hoang mang, lo ngại…

Về các biện pháp phòng chống dịch cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y tế sẽ đẩy mạnh giám sát dịch bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Tới đây sẽ khởi động lại biện pháp đo thân nhiệt hành khách tại các sân bay, cửa khẩu để phát hiện sớm và kịp thời cách ly người bệnh nghi ngờ. Bên cạnh đó tăng cường giám sát trọng điểm, mở rộng các trường hợp giám sát bao gồm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do virus. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương trọng điểm.