Cảnh giác dịch bệnh mùa hè

(ANTĐ) - Thời điểm này, diễn biến các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Dù vậy, ngành y tế Hà Nội cảnh báo, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè và nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa là rất lớn.

Cảnh giác dịch bệnh mùa hè

(ANTĐ) - Thời điểm này, diễn biến các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Dù vậy, ngành y tế Hà Nội cảnh báo, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè và nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa là rất lớn.

Điều trị bệnh nhân SXH tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương

Điều trị bệnh nhân SXH tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương

Lo nhất sốt xuất huyết

Dù mới là đầu hè song thời điểm này dịch sốt xuất huyết (SXH) đã gia tăng mạnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Trung và miền Nam. Thống kê của Bộ Y tế tính đến giữa tháng 4 cho thấy, cả nước ghi nhận 8.000 trường hợp mắc SXH, trung bình mỗi tuần ghi nhận thêm 500 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010 và diễn biến khá phức tạp với nhiều ca biến chứng nặng. Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện mật độ muỗi gây SXH đang gia tăng ở một số địa phương như Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế. Cùng với đó, tình trạng kháng hóa chất diệt muỗi cũng ngày càng trầm trọng khiến công tác phòng chống bệnh trở nên khó khăn hơn.

Tại Hà Nội, số bệnh nhân mắc SXH cũng bắt đầu xuất hiện phân tán rải rác ở tất cả các quận, huyện, trong đó tại các BV trên địa bàn như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Đống Đa, Xanh Pôn, Hà Đông… số bệnh nhân vào điều trị khá nhiều và gia tăng từng tuần. Đa phần bệnh nhân nhập viện có bệnh cảnh nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.

Điều đáng chú ý là nếu như trước đây, dịch thường bắt đầu bùng phát vào tháng 6, 7 và kết thúc vào tháng 11, 12 nhưng những năm gần đây, SXH bùng phát không theo quy luật nào. Tương tự, chu kỳ đỉnh dịch và chu kỳ dịch bùng phát mạnh theo năm (trước thường 4 đến 5 năm thì lại bùng phát dịch lớn một lần) cũng thay đổi, khó đoán trước được. Đặc biệt tại các quận, huyện mới của Hà Nội, tốc độ đô thị hóa cao kéo theo lượng người lao động ngoại tỉnh đổ về nhiều, điều kiện vệ sinh môi trường kém, muỗi gây bệnh phát triển thuận lợi, sinh sôi mạnh nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Năm 2009 và 2010, dịch SXH đã bùng phát mạnh song theo nhận định từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, không loại trừ khả năng trong năm 2011 này, dịch SXH tiếp tục bùng phát lớn.

Chủ động chống dịch

Cũng theo số liệu thống kê của TTYTDP Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, toàn thành phố chưa ghi nhận ca tiêu chảy cấp nào, trong khi các dịch bệnh khác như sốt phát ban, cúm A/H1N1 đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ngoài dịch SXH thì thời tiết nóng lực mùa hè cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh khác. Do đó, TTYTDP Hà Nội nhận định, nguy cơ gia tăng, bùng phát các bệnh truyền qua thực phẩm như dịch tiêu chảy cấp, bệnh liên cầu khuẩn là rất lớn. Bên cạnh đó, cúm gia cầm, viêm não cũng thường tăng mạnh trong thời gian này.

TS. Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè, TTYTDP hiện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, y tế xã, phường về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch SXH. Đồng thời sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, phương tiện chống dịch. Với các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ. Về phía các BV trên địa bàn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị y tế cũng như các phương án ứng phó điều trị cho bệnh nhân nếu có dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng kêu gọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để ứng phó và phòng chống dịch bệnh, tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai phòng chống dịch bệnh tại xã, phường nơi cư trú. Đặc biệt, những bệnh nhân có nguy cơ cao nghi ngờ mắc các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như: sốt phát ban, tiêu chảy cấp do tả, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, A/H5N1... cần phải có trách nhiệm khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và khoanh vùng ổ dịch kịp thời.

Nguyễn Phan