Cảnh báo vay tràn lan, không có khả năng trả nợ

(ANTĐ) - Ngày 25-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về một số vấn đề lớn của 2 dự án Luật Bồi thường Nhà nước và Luật Quản lý nợ công. Theo đề xuất mới nhất của ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cán bộ, công chức trễ nải hoặc cố tình không thực thi công vụ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân thì Nhà nước sẽ phải bồi thường.

Phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cảnh báo vay tràn lan, không có khả năng trả nợ

(ANTĐ) - Ngày 25-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về một số vấn đề lớn của 2 dự án Luật Bồi thường Nhà nước và Luật Quản lý nợ công. Theo đề xuất mới nhất của ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cán bộ, công chức trễ nải hoặc cố tình không thực thi công vụ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân thì Nhà nước sẽ phải bồi thường.

>>>Chưa bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

>>>Có Kiến trúc sư trưởng, “thôi” Sở Quy hoạch - Kiến trúc?

Dự án chậm tiến độ do công chức trễ nải sẽ được bồi thường?
Dự án chậm tiến độ do công chức trễ nải sẽ được bồi thường?

Trễ nải gây hại phải bồi thường

Liên quan tới dự án Luật Bồi thường Nhà nước, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, UB Pháp luật yêu cầu bổ sung vào dự án luật định nghĩa cụ thể về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).

Đặc biệt, UB Pháp luật yêu cầu xác định rõ trong luật rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ bao gồm cả trường hợp không hành động (không thực thi công vụ hoặc trễ nải) mà gây thiệt hại. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức không thực thi hoặc chậm thực thi công vụ, gây thiệt hại không nhỏ cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Trần Thế Vượng nêu vấn đề: “Tính toán thiệt hại của hành vi không hành động là vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, chậm cấp giấy phép đầu tư nửa năm đối với một dự án lớn thì tính thiệt hại thế nào? Đặt ra vấn đề là đúng nhưng thực hiện chắc chắn sẽ rất khó khăn”.

Về mức bồi thường thiệt hại, UB Pháp luật cho biết, theo nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự thì thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Tuy nhiên, trong điều kiện khả năng ngân sách và trình độ cán bộ, công chức của Việt Nam hiện nay, yêu cầu triệt để như vậy rất khó thực hiện.

Vì vậy, nên quy định mức bồi thường được xác định trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, nếu mở quá rộng các vi phạm phải bồi thường, tính khả thi sẽ không cao.

“E rằng sẽ lại lâm vào thế bế tắc, khả năng đáp ứng thực hiện vô cùng khó khăn” - ông Phùng Quốc Hiển nói. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước chia sẻ quan điểm này: “Nếu không có giới hạn tối đa về mức bồi thường, không cẩn thận khi luật ra đời thì Nhà nước lại trở thành con nợ”.

Làm rõ trách nhiệm của người cho vay

Liên quan tới dự án Luật Quản lý nợ công, tuy đã được tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung nhưng UB Tài chính ngân sách vẫn không tán đồng với quy định về trách nhiệm trong quản lý nợ công. Thường trực UB Tài chính ngân sách cho rằng, luật phải quy định rõ về chế độ trách nhiệm đối với người quyết định cho vay, người thẩm định cho vay vốn, cá nhân, tổ chức liên quan đến việc cho vay lại; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc sử dụng vốn vay, bảo đảm vốn vay được sử dụng có hiệu quả.

Về thẩm quyền của chính quyền địa phương đối với các khoản vay, có nhiều  luồng ý kiến khác nhau. Có đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung quy định về các điều kiện để địa phương được phép vay vốn trong nước, không nên quy định tất cả các địa phương đều được phép vay như hiện nay, tránh tình trạng vay tràn lan, không có khả năng trả nợ, gây khó khăn cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc UBND tỉnh được phát hành trái phiếu là quá rộng, có thể dẫn đến việc các địa phương vay nợ tràn lan.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. “Phải cẩn thận khi phân cấp, phân quyền, dành toàn quyền cho địa phương chủ động đi vay. Trường hợp lãnh đạo địa phương chủ động đi vay vốn để xây dựng hết công trình nọ, dự án kia để ghi “dấu ấn”, rốt cuộc nợ hàng nghìn tỷ đồng, ai sẽ trả món nợ này? Trường hợp không trả được ai xử lý? Cuối cùng vẫn là Nhà nước phải đứng ra trả. Do đó, cần hết sức chặt chẽ trong việc cho phép địa phương chủ động tìm nguồn, thỏa thuận vay...” - ông Trần Thế Vượng nói.

Chính Trung