Cảnh báo bệnh quan liêu, giấy tờ tăng trở lại

ANTĐ - Hôm qua, 28-3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã giao ban quý I-2013 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành về nội dung cải cách hành chính (CCHC), giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2013.

Cải cách hành chính đã có nhiều tiến bộ nhưng còn chưa đáp ứng được nhu cầu (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá chung, CCHC của TP đã có những chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan công quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Nhiều thủ tục hành chính liên quan tới đời sống dân sinh, thường bị kêu ca, phàn nàn, bức xúc đã được rà soát, loại bỏ. Nền nếp làm việc, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ, thái độ, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là bộ phận một cửa có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhân dân vẫn còn kêu ca phàn nàn, chủ yếu là về trách nhiệm giải quyết công việc và sự phối hợp của các sở, ngành thành phố như: Tình trạng đùn đẩy, né tránh; hứa hẹn nhưng không giải quyết hoặc chậm giải quyết. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sách nhiễu, không nhiệt tình giúp doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, TP phải tiếp tục CCHC mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu bức xúc từ cuộc sống. Đồng chí nói: “Phải CCHC ngay trong cuộc họp này. Đáng ra, mỗi ý kiến chỉ nên 7-10 phút như ở diễn đàn Quốc hội để có nhiều người được nói, có trao đi đổi lại, chất lượng thảo luận sẽ cao hơn”. Phân tích những lực cản đối với tiến trình CCHC của TP, Bí thư Thành ủy cho biết, khảo sát gần đây chỉ ra, tồn tại, hạn chế đang nằm ở các sở, ngành nhiều hơn ở cơ sở: “Nhiều quận, huyện còn “kêu” thành phố. Nếu các đồng chí quận, huyện mà ngồi với nhau thì than phiền không nhẹ nhàng đâu, có cả địa chỉ chứ không mơ hồ chung chung...”.

Đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, Bí thư Thành ủy nêu ví dụ: “Khi chúng tôi vào thăm tỉnh Bình Dương, có đến công viên Đại Nam (vốn được xem là lớn nhất Việt Nam - PV). Ông chủ dự án có kể lại là khi đầu tư, có đề nghị Bình Dương cho xây dựng một... quả núi – hạng mục chính - trong công viên. Không ai dám duyệt đề xuất này bởi thực tế không có quy định hay tiêu chuẩn nào về việc xây... núi. Đang lúc rất bí thì địa phương “tư vấn” chủ dự án làm đề án xây dựng nhà dáng núi thì mới phê duyệt được. Đó chính là sự sáng tạo của họ. Nếu không có sự vào cuộc thực sự, cộng đồng trách nhiệm như vậy thì không bao giờ có công viên lớn như bây giờ...”.

Cảnh báo bệnh quan liêu, công văn, giấy tờ có xu hướng tăng gần đây, Bí thư Thành ủy nói: “Có nhiều dẫn chứng lắm. Đô trưởng TP Viêng Chăn có gửi thư chúc mừng tới lãnh đạo TP nhân dịp Quốc khánh 2-9. Thế mà mất tới 30 ngày sau, thư trả lời cảm ơn bạn mới được trình tới tay tôi. Khi kiểm tra ra thì Văn phòng UBND  TP chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày. Không chủ động tham mưu đã là thiếu sót, đến việc trả lời cũng chậm như vậy. Tôi rất khó chịu vì như thế thì còn cảm ơn gì nữa”.

Đề cập việc Hà Nội tụt 15 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI - năm 2012, Bí thư Thành ủy cho rằng, “rất đáng tiếc là có tới 5 tiêu chí Hà Nội bị đánh giá ở mức thấp và rất thấp”. Đi thẳng vào phân tích tiêu chí được cho là nhạy cảm - “chi phí không chính thức” – Bí thư Thành ủy nói: “Đấy là người ta nói cho nhẹ đi chứ thực ra đó là chi phí tiêu cực. Tôi nghe người ta nói ở đâu cũng có chi phí này, chỉ là nhiều hay ít. Người ta châm biếm là ở nơi khác “bôi” nó “trơn”, nhưng Hà Nội thì “bôi” cũng không “trơn”...”. Bí thư Thành ủy nhìn nhận, PCI của Hà Nội thấp trước hết thể hiện sự không hài lòng của các DN đối với chất lượng giải quyết công việc của chúng ta trong lĩnh vực tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.

Đồng chí nhấn mạnh: “Với tinh thần nghiêm túc và thái độ thực sự cầu thị, chúng ta cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đây cũng là lời báo động, nhắc nhở chúng ta phải củng cố, chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn nữa; đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa...”.

Bí thư Thành ủy nêu yêu cầu: “Người cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải giải quyết đúng đắn, kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải là ban phát như trong cơ chế xin - cho”.