Căng thẳng trên Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế

ANTD.VN - Trước thực tế tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định cho khu vực và thế giới, một câu hỏi đặt ra là Việt Nam lựa chọn chiến lược nào để giải quyết tranh chấp đó, đặc biệt là cách nào giải quyết tranh chấp mà không để xảy ra xung đột?

Căng thẳng trên Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế ảnh 1Những nhà giàn trên Biển Đông, canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc Ảnh: Phú Khánh

Nguyên tắc hòa bình và nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực 

Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Quan điểm này được Việt Nam nhiều lần tuyên bố và kiên trì triển khai trên thực tế trước những diễn biến phức tạp và biến động nhanh chóng của tình hình trên Biển Đông.

Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này hình thành từ lâu, đặc biệt từ năm 1945 khi Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) ra đời. Nó được ghi nhận trong Điều 2(3) và Điều 33, cũng như trong Điều 1(1) về mục đích, tôn chỉ hoạt động của LHQ. 

Với tính phổ quát của tổ chức đa quốc gia lớn nhất hành tinh là LHQ, nguyên tắc này đã trở thành một nguyên tắc quan trọng của luật pháp và tập quán quốc tế, có hiệu lực ràng buộc đối với mọi quốc gia trên thế giới, bất kể có là thành viên của LHQ hay không. Các điều ước quốc tế thành lập các tổ chức khu vực quan trọng như Hiến chương ASEAN, Hiến chương của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Hiến chương thành lập Liên minh châu Phi, các văn bản thành lập của Liên minh châu Âu đều ghi nhận lại nguyên tắc cơ bản này.

Điều 33 của Hiến chương LHQ đã liệt kê rất rõ những biện pháp cụ thể để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Trên cơ sở đó, các quốc gia có quyền tự do lựa chọn biện pháp mà họ thấy thích hợp. Trên thực tế, trong các biện pháp trên, đàm phán là biện pháp phổ biến nhất mà các nước thường áp dụng trong giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đi cùng với nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực. Hai nguyên tắc này giống như hai mặt của đồng xu, và có thể nói nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là hệ quả tất yếu và đi kèm với việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Liên quan đến Biển Đông, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong tuyên bố này, các bên khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”.

Là thành viên có trách nhiệm của LHQ, trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Chính sách nhất quán đó được thể hiện cả trong lời nói và hành động.

Trước hết, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Năm 1977, Chính phủ ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 1982, Chính phủ ra Tuyên bố về đường cơ sở; năm 1994, Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; năm 2003, Quốc hội thông qua Luật Biên giới quốc gia; và năm 2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tái phán của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của mình theo quy định của luật pháp quốc tế. 

Trên các diễn đàn quốc tế, tháng 5-2009, Việt Nam đã hoàn thành và trình lên LHQ Báo cáo quốc gia của Việt Nam và Báo cáo chung với Malaysia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở khoa học và đúng theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Vì sao phải tạo được không khí hòa bình? 

Trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy đàm phán và giải quyết, phân định biển theo luật pháp quốc tế. Trước hết, Việt Nam ủng hộ và cổ vũ các quốc gia tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của UNCLOS. Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của UNCLOS, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của UNCLOS.

Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi UNCLOS, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Đối với những tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là với Trung Quốc, với tư cách là quốc gia chịu ràng buộc theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và tập quán quốc tế, Việt Nam luôn nêu cao và tuân thủ nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp. Với nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký được Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Theo đó, hai nước trong quá trình đàm phán thống nhất “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC, “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”.

Trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp tiếp tục được nhắc lại, như trong Tuyên bố chung về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc (tháng 6-2013), Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam (tháng 10-2013), Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 4-2015)…

Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản đó, nghệ thuật ngoại giao khéo léo của Việt Nam được cụ thể hóa bằng nhiều sách lược, nhiều chủ trương cụ thể. Ví dụ như chủ trương giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, trên tinh thần đối tác và với trách nhiệm cộng đồng. Vấn đề là bởi trong tranh chấp, mỗi nước đều phải bảo vệ lợi ích của mình. Nếu không tạo được không khí hòa bình thì nguy cơ xung đột, thậm chí là nguy cơ chiến tranh sẽ hình thành. Cho nên phải tạo được không khí hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước, nhóm nước với nhau. 

Tiếp nữa, vấn đề chủ quyền dù không thể thỏa hiệp, nhưng nếu không có tinh thần hợp tác tốt, nếu chỉ coi nhau như “đối tượng” thì không thể có kết quả tốt đẹp. Cho nên, cần có tinh thần đối tác cùng hợp tác để giải quyết sự khác biệt. Và cuối cùng là cùng phối hợp với nhau để giải quyết tranh chấp chứ không đóng kín, vì trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, với khu vực; bảo vệ lợi ích của mình nhưng cũng tôn trọng lợi ích của tất cả các quốc gia khác trong tranh chấp đó.

Đó là những bằng chứng sinh động thể hiện trên thực tế nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. 

“Nghệ thuật ngoại giao khéo léo của Việt Nam được cụ thể hóa bằng nhiều kế sách, nhiều chủ trương cụ thể. Ví dụ như chủ trương giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, trên tinh thần đối tác và với trách nhiệm cộng đồng. Vấn đề là bởi trong tranh chấp, mỗi nước đều phải bảo vệ lợi ích của mình. Nếu không tạo được không khí hòa bình thì nguy cơ xung đột, thậm chí là nguy cơ chiến tranh là rất lớn và cũng rất gần. Cho nên phải tạo được không khí hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước, nhóm nước với nhau”.