Cần xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định của bệnh viện
(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Chuyện phiền toái trong bệnh viện” phản ánh việc Bệnh viện Bạch Mai đã xử lý nghiêm các trường hợp người nhà bệnh nhân cho mượn lại áo và thẻ do bệnh viện phát, phóng viên Báo ANTĐ đã đến Bệnh viện Việt Đức tìm hiểu thêm về vấn đề này…
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Thủy - Y tá trưởng – Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Để giảm tải cho bệnh viện, đồng thời bảo vệ sức khỏe và tài sản cho bệnh nhân, chủ trương của BGĐ bệnh viện là tuyệt đối không cho người nhà vào buồng bệnh nhân.
"Nhưng căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của bệnh nhân mong muốn có người nhà bên cạnh để yên tâm hơn trong khi điều trị, chúng tôi đã đề nghị với BGĐ xem xét cho phép mỗi bệnh nhân được 1 người nhà vào chăm sóc.
"Tuy vậy, trước khi cho người nhà vào buồng bệnh, bệnh nhân sẽ được y tá giải thích rõ về chủ trương này, phải ký giấy đồng ý cho người nhà ở lại với điều kiện phải nộp thêm 10.000đ/ngày. Sau đó, người nhà bệnh nhân sẽ được phát áo, cấp thẻ và được phép ở trong buồng bệnh nhân ngoài giờ các bác sỹ, y tá làm chuyên môn.
Mỗi bệnh nhân chỉ cần có 1 người nhà chăm sóc |
"Tại Bệnh viện Việt Đức cũng đã xảy ra việc bệnh nhân ra viện bán lại hoặc cho mượn thẻ, áo. Với các trường hợp này, chúng tôi đã nghiêm khắc khiển trách và nhắc nhở chứ chưa tiến hành phạt”…
Tại Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Dịu ở Ân Thi, Hưng Yên đang bón cơm cho chồng trong buồng bệnh. Chị Dịu tâm sự: “Khi chồng tôi phải nhập viện, tôi đã rất lo vì sợ không được vào buồng bệnh chăm sóc.
"Nhưng mọi lo lắng của tôi đã tan biến khi được các y tá giải thích rõ và tôi chỉ phải nộp thêm 10.000 đồng là được vào chăm sóc chồng hàng ngày. Mặc dù tôi chẳng giúp được nhiều cho anh ấy khi điều trị nhưng cả tôi và chồng tôi đều thấy yên tâm hơn khi được ở cạnh và động viên nhau…”.
Anh Vũ Văn Dũng ở Từ Sơn, Bắc Ninh thông tin thêm: “Là người nhà bệnh nhân, tôi rất thông cảm với sự nôn nóng, sốt ruột của nhiều người muốn vào tận trong buồng bệnh để xem tình trạng của người nhà mình ra sao.
"Nhưng không vì thế mà họ được phép bỏ qua các quy định của bệnh viện. Tôi không khỏi bất bình khi thấy một số người nhà bệnh nhân sau giờ thăm nom đã cố tình ở lại buồng bệnh hoặc tìm cách mượn, mua lại áo và thẻ của các bệnh nhân đã ra viện.
"Việc làm này không chỉ gây mất lòng tin cho các y, bác sỹ mà còn tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân, ảnh hưởng đến sự trật tự, sự yên tĩnh vốn có trong bệnh viện. Tôi đề nghị Ban Giám đốc bệnh viện cần phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm này”…
Từ những ý kiến trên, có thể thấy rằng các quy định về thăm nom, chăm sóc bệnh nhân của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức là hoàn toàn đúng đắn, được đa số bệnh nhân và người nhà ủng hộ.
Đối với số ít còn lại, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các bệnh viện cần tăng cường tuyên truyền nội quy, quy định của bệnh viện đến bệnh nhân và người nhà của họ để bệnh nhân yên tâm điều trị trong điều kiện tốt nhất.
Huệ Linh