Cần xem xét trách nhiệm hình sự của người vi phạm

ANTD.VN - Báo ANTĐ đã đưa tin, sáng 13-10 tại công trình xây dựng trên phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết, 4 người bị thương. Điều khiến dư luận quan tâm là sau vụ việc trên, trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan xác định như thế nào và quyền lợi của người lao động bị tai nạn được đảm bảo ra sao. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội.

PV: Luật sư có thể cho biết một số quy định pháp luật hiện hành về vấn đề an toàn lao động?

Luật sư Lê Hồng Vân: Năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng”, trong đó nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong xây dựng và các yêu cầu về trang bị an toàn cho người lao động, kiểm định an toàn máy móc. Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) cũng quy định chi tiết về các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

Công trình xây dựng trên phố Giáp Nhị - nơi xảy ra vụ tai nạn

PV: Trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan sẽ được xác định như thế nào thưa Luật sư ?

Luật sư Lê Hồng Vân: Về xử lý hành chính, theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản…, mức phạt về những hành vi vi phạm quy tắc an toàn là từ từ 20-40 triệu đồng. Khi xảy ra các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng (thương tích, tử vong), cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và xem xét  trách nhiệm hình sự.

Đối với vụ việc tại công trình xây dựng trên phố Giáp Nhị (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 2 người chết và 4 người khác bị thương, đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động, có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-5 năm. Với tội danh này, lỗi của người thực hiện hành vi là lỗi vô ý. Họ không mong muốn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do quá cẩu thả. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

 PV: Vậy đối với người lao động, khi xảy ra tai nạn, quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo ra sao?

Luật sư Lê Hồng Vân: Theo Bộ luật Lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm: Thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động theo quy định.

Người lao động bị tai nạn lao động mà không do lỗi của người lao động thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

PV: Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có phải do chế tài pháp luật  chưa đủ sức răn đe?

Luật sư Lê Hồng Vân: Theo tôi, nguyên nhân của các vụ lao động là do chủ đầu tư, nhà thầu chưa chú ý công tác bảo đảm an toàn lao động. Trong thiết kế, chế tạo giàn giáo không đúng với chất lượng yêu cầu, lắp dựng dàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, những trang thiết bị yêu cầu quy chuẩn an toàn lao động bị xuống cấp do không được bảo dưỡng định kỳ.

Ngoài ra, chế tài xử lý đối với hành vi không tuân thủ an toàn còn quá nhẹ, mới chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, mức phạt tiền thì không tương ứng so với những nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra. Trong khi đó, hầu hết chỉ khi các vụ tai nạn xảy nghiêm trọng đã xảy ra thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc và làm rõ chứ không có các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu. Do vậy, để hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian tới, các cơ quan quản lý xây dựng cần tăng cường kiểm tra xử lý triệt để các vi phạm về quy tắc an toàn. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần nhanh chóng nghiên cứu, bổ sung các quy định, tăng nặng chế tài nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật!