Cần thiết phải tước vĩnh viễn giấy phép lái xe uống bia, rượu

ANTD.VN - Chế tài mạnh - tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với người say rượu - có thể xem là hình thức xử lý hoàn toàn phù hợp với xu thế văn minh của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh những nguy cơ về TNGT liên quan đến bia, rượu ngày càng diễn biến phức tạp, hậu quả thảm khốc.

Những ý tưởng, đề xuất chế tài kiên quyết đối với người say bia, rượu, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân, dư luận.

Những tiếng kêu thấu trời xanh

Chưa khi nào, hiện tượng lái xe uống rượu bia, nghiện ma túy lại "nóng" và gây bức xúc dư luận như thời điểm hiện tại. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân của hầu hết những vụ tai nạn này đều xuất phát từ lái xe uống bia, rượu, hoặc sử dụng ma túy.

Đầu năm 2019, dư luận cả nước rúng động khi chiếc xe tải BKS: 29C-71953 lao vào đoàn người đi viếng nghĩa trang, xảy ra tại địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương. Hậu quả vụ tai nạn khiến 8 người chết tại chỗ và nhiều người bị thương. Kết quả điều tra về sau làm rõ, lái xe tải trên đã nghiện và sử dụng ma túy.

Nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do lái xe uống rượu, bia

Trước đó vài ngày, lái xe container Phạm Thành Hiếu (ở Long An), đã húc trúng 21 chiếc xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Bình Dương, khiến 4 người thiệt mạng tại chỗ, hàng chục người bị thương. Lái xe container này qua xét nghiệm có phản ứng dương tính với ma túy; ngoài ra, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn cho thấy chỉ số trong hơi thở rất cao. Trong khi những bức xúc của dư luận từ hai vụ TNGT này chưa kịp lắng xuống thì liên tiếp trong vài ngày, người dân Thủ đô và cả nước lại "sôi sục" với hậu quả mà hai lái xe “điên” gây ra tại Hà Nội.

Đêm 22-4, Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), điều khiển xe ô tô trên đường Láng, quận Đống Đa, sau khi đâm húc hàng loạt phương tiện và quá trình bỏ chạy, đã đâm tử vong một nữ công nhân vệ sinh môi trường. Khi bị đưa về trụ sở CAQ Đống Đa, lái xe Tuyên có biểu hiện không tỉnh táo, và sau đó khai nhận đã uống chừng 6-7 cốc bia trước khi lái xe, do hoảng loạn nên đạp nhầm vào chân ga khiến xảy ra tai nạn liên hoàn. Qua kiểm tra của CSGT, nồng độ cồn trong khí thở của Đỗ Xuân Tuyên cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng khi lái xe sử dụng bia, rượu gây tai nạn xong đều bỏ trốn nhằm "rũ"  trách nhiệm

Cũng xuất phát từ nguyên nhân uống rượu, bia, và hậu quả còn khủng khiếp hơn, đó là trường hợp lái xe Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình). Rạng sáng 1-5, Hiếu điều khiển ô tô đến khu vực hầm chui Kim Liên, đã đâm trúng 2 người phụ nữ đèo nhau bằng xe máy. Cả hai nạn nhân thiệt mạng tại chỗ. Quá trình điều tra, Hiếu khai nhận trước khi lái xe, đã uống chừng 6 chai bia. Với lượng cồn trong máu tăng cao, Hiếu hoàn toàn không đủ tỉnh táo, bình tĩnh, làm chủ tốc độ và đã dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc.

Nhân văn với “tử thần” là tội ác

Bắt đầu từ năm 2018, Cục CSGT đã mở các đợt cao điểm tổng kiểm tra xử lý vi phạm lái xe sử dụng bia, rượu, chất kích thích. Thống kê sau 2 đợt cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tháng 4 và tháng 5 (đợt 1) và từ tháng 8 đến tháng 9-2018 (đợt 2), trên toàn quốc đã có 27.586 trường hợp vi phạm bị xử phạt. Đợt cao điểm thứ 3 được Cục CSGT chọn đúng vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2019.

Lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những lái xe có sử dụng bia, rượu

Có thể thấy, bằng kinh nghiệm cũng như qua công tác quản lý, thực tiễn, từ rất sớm, lực lượng CSGT đã thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn về TNGT xuất phát từ nguyên nhân lái xe uống bia, rượu, nghiện ma túy. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe ô tô cá nhân, ô tô con vi phạm, Cục CSGT còn xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa trên cả nước. Kết quả sau đợt tổng kiểm tra này, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện và xử lý hơn 200 lái xe nghiện ma túy. Riêng đối với chuyên đề, vi phạm nồng độ cồn, CSGT cả nước cũng phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp lái xe vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn và tuyên truyền pháp luật ATGT, Cục CSGT cho biết: Số lượng lái xe vi phạm ma túy và rượu, bia đã bị CSGT xử lý rất nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm trường hợp TNGT đã được chặn đứng từ những nguyên nhân, lái xe này.

Dẫu vậy, thực tế cũng cho thấy số lượng vi phạm bị CSGT xử phạt so với thực tế lái xe vi phạm chưa bị phát hiện, xử phạt còn là khoảng cách lớn. Việc tăng cường lực lượng, phương tiện cũng như sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị chức năng trong thời gian tới sẽ giúp cho công tác phát hiện và xử lý những vi phạm này đạt được hiệu quả hơn nữa.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, hậu quả của những vụ TNGT thảm khốc mà nguyên nhân do lái xe uống bia, rượu, sử dụng ma túy chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tác hại của hành vi này đối với xã hội, đối với công tác đảm bảo TTATGT. Mới đây, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, là bước tiến đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm của cả nước đối với những hành vi nguy hiểm này.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ cần lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện nghe điện thoại, hay sử dụng thiết bị khác gây phân tâm, giảm chú ý, cũng sẽ bị xử phạt rất nặng, xã hội cực lực lên án. Đối với lỗi vi phạm sử dụng rượu, bia, lái xe gây tai nạn, đâm chết người, ngoài việc bị phạt tù, lái xe còn bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Mặc dù trong Luật Giao thông đường bộ cũng như những Nghị định xử lý có liên quan đã quy định cụ thể về hành vi, mức độ xử lý vi phạm liên quan đến lái xe uống rượu, bia, ma túy, song dư luận người dân cho rằng mức xử phạt như hiện nay quá nhẹ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi không thể chấp nhận mức phạt vài trăm nghìn đồng, vài triệu hay hơn 20 triệu đồng để “đánh cược” với sinh mạng của hàng chục người tham gia giao thông trên đường. Đáng chú ý, Việt Nam lại là nước có tốc độ tiêu thụ rượu, bia rất lớn!

Nếu như chúng ta không có sự siết chặt cũng như nâng mức xử phạt hành vi vi phạm trên, thì chắc chắn, người tham gia giao thông trên đường chẳng khác nào phó mặc số phận cho “ma men”, lái xe nghiện ma túy.