Cần tăng nặng chế tài xử phạt hành vi hành hung nhân viên hàng không

ANTD.VN - Hàng không vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt, lượng khách sử dụng hàng không thay vì đường bộ, đường sắt vẫn đang dịch chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với đó, các vụ việc hành hung, sàm sỡ tiếp viên hàng không cũng gia tăng. Ngành hàng không cho rằng, có hiện tượng này là do chế tài xử phạt còn nhẹ.

Cần tăng nặng chế tài xử phạt hành vi hành hung nhân viên hàng không ảnh 1Nhiều vụ việc hành khách gây rối xuất phát từ thái độ, chất lượng phục vụ của các hãng hàng không

Hãng bay muốn xử lý nghiêm

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành hàng không liên tục ghi nhận những vụ việc hành khách hành hung hoặc có hành vi sàm sỡ nhân viên hàng không. Tháng 8-2016, Cảng vụ hàng không miền Nam đã xử phạt 15 triệu đồng đối với một hành khách hạng thương gia vì có hành vi tát vào mặt nữ tiếp viên hàng không.

Vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM, nam hành khách ngồi ở hạng ghế thương gia do không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus nên đã tát vào mặt nữ tiếp viên vì cho rằng nữ tiếp viên lấy điện thoại. Sau khi chuyến bay hạ cánh, chiếc điện thoại được tìm thấy dưới ghế hành khách. Vị khách thương gia thừa nhận hành vi sai trái của mình và nộp phạt. 

Trước đó, trên máy bay của hãng Vietjet Air từ Vinh đi TP.HCM, một hành khách nam đã có thái độ sàm sỡ tiếp viên hàng không, khiến tổ bay với tiếp viên nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành khách này. Ngoài ra, gần đây, còn xuất hiện nhiều vụ việc như hành khách xé rách áo, lăng nhục nhân viên hàng không tại sân bay.

Với hàng không giá rẻ, dù đã có quy định hành lý không được quá 7kg và không được quá khổ, nhưng không ít hành khách vẫn cố tình mang quá trọng lượng cho phép, khi được đề nghị bỏ lại hoặc mua thêm hành lý ký gửi thì khách quay ra  to tiếng, chửi mắng nhân viên hàng không.  

Theo các hãng hàng không, các vụ xô xát, hành hung gây ảnh hưởng tâm lý, tinh thần không chỉ với người liên quan mà còn với đội ngũ nhân viên hàng không nói chung.  

Vietnam Airlines bày tỏ, hãng kịch liệt phản đối những hành vi thiếu văn hóa, gây mất trật tự, vi phạm các quy định về an toàn, an ninh hàng không cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa hành khách gây rối, xử lý nghiêm các vụ việc hành hung nhân viên hàng không. 

Cục Hàng không nhìn nhận, mặc dù hiện tượng khách gây rối, không chấp hành quy định tại cảng hàng không có xu hướng gia tăng nhưng so với hàng chục triệu lượt khách được chuyên chở bằng đường hàng không mỗi năm thì con số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. 

Xem xét cả trách nhiệm doanh nghiệp

Các vụ việc tranh cãi, xô xát thường nảy sinh khi hành khách gặp các vấn đề bức xúc như chuyến bay bị chậm, khách mang quá khối lượng hành lý, bị cắt lại trước giờ bay...  

Ý thức chấp hành quy định của một bộ phận hành khách còn chưa tốt nhưng cũng nên nhìn lại thái độ, chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không. Số lượng khách tăng trưởng đôi khi không đi kèm với chất lượng. Tình trạng chậm, hủy chuyến vẫn diễn ra liên miên là một ví dụ. Trong một số trường hợp cụ thể, có thể do quá tải trong công việc, thái độ ứng xử của nhân viên mặt đất cũng chưa chuẩn mực… 

Đề cập đến mức phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng với hành vi hành hung nhân viên hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, mức phạt này đã được cơ quan chức năng nghiên cứu căn cứ trên thu nhập của số đông người dân nên đã có tính răn đe.

Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung như cấm bay, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vụ việc. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp mới đây, Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Nghị định 107/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo hướng tăng nặng chế tài với các hành vi vi phạm.

Liên quan đến chất lượng dịch vụ và thái độ của nhân viên hàng không, ông Lại Xuân Thanh cho hay, đã được quy định tại Nghị định 147/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tuy nhiên, Cục đang hướng đến việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ hàng không, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đó, không chỉ nhân viên sai phạm mà cả hệ thống giám sát nội bộ, người đứng đầu bộ phận quản lý trực tiếp nhân viên đó cũng sẽ bị xử lý.