Giải tỏa hàng chục nghìn tấn rác “đọng” ở địa bàn huyện Chương Mỹ:
Cần sự đồng thuận
(ANTĐ) - Nhiều tháng nay, người dân 32 xã và 2 thị trấn trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội phải chấp nhận cảnh “sống chung với rác”. Hệ lụy của rác ở Chương Mỹ còn ảnh hưởng sang cả 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân chưa có sự đồng thuận với chính quyền.
Rác đổ trước cửa Nhà văn hóa huyện Chương Mỹ |
Đau đầu vì rác
“Không phải đến khi sáp nhập về Hà Nội, mà ít nhất từ năm 2000, huyện Chương Mỹ chúng tôi đã thực sự đau đầu vì rác”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Chương Mỹ tâm sự. Đã có rất nhiều vị trí được huyện Chương Mỹ đề xuất và tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt cho xây dựng khu thu gom rác thải, nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 2007, dự án khu xử lý rác thải tại núi Thoong, xã Tân Tiến mới được định hình. Tháng 3- 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) thuê 2 ha đất để thực hiện dự án chôn lấp. Từ đầu năm 2007 đến tháng 7-2008, Công ty Xuân Mai đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt với UBND các xã, thị trấn ở huyện Chương Mỹ, và một số địa bàn thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai. Tổng lượng rác thu gom hơn 28.000 tấn. Tại khu xử lý đã đóng bãi ô chôn lấp số 1 và tiếp nhận 300 tấn rác vào ô chôn lấp số 2.
Phức tạp tại khu xử lý rác núi Thoong nảy sinh vào đầu tháng 7-2008. Do mưa lớn, đáy hố chôn lấp số 2 đã bị rò rỉ nước chảy theo các mạch hang núi, tán phát nước màu đen và có mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực. Trước hiện tượng trên, một số người dân xã Tân Tiến đã ra cản trở hoạt động của Công ty Xuân Mai, yêu cầu chấm dứt việc thu gom, xử lý rác.
Để khắc phục nhanh sự cố tại điểm thu gom rác núi Thoong, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng cho 3 hạng mục xây dựng: hoàn thiện ô chôn lấp số 1, đào mới ô chôn lấp số 3; xây dựng hệ thống mương phong tỏa nước mặt; và xây dựng khu xử lý nước thải. Cùng thời điểm này, UBND huyện Chương Mỹ đã thành lập các tổ công tác tiến hành vận động, đối thoại và tiếp thu giải quyết những kiến nghị của người dân. Ông Đinh Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố ở hố chôn lấp rác số 2, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện công tác khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 700 lượt người dân; dùng hóa chất xử lý 217 giếng nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Cùng với đó, huyện Chương Mỹ phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh hóa học, lấy mẫu phân tích xét nghiệm; gồm 7 mẫu nước giếng khơi, 1 mẫu nước giếng khoan và quan trắc môi trường không khí tại 4 vị trí xung quanh khu vực xử lý (bán kính 1,5 km), cùng 4 mẫu nước mặt. Kết quả xét nghiệm cho thấy: mức độ ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm không lớn.
Tháng 5-2009, các hạng mục của khu xử lý rác thải núi Thoong đã hoàn thành. Lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, trong suốt quá trình thực hiện 3 hạng mục vừa qua, đều có sự kiểm soát- giám sát của cộng đồng. Cơ quan tư vấn thiết kế, giám sát là Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh hóa học, công trình đã được Công ty CP Nước và môi trường Việt Nam thẩm định theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam. Quá trình nghiệm thu, các hạng mục trên đã được Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường thẩm định, khẳng định đảm bảo chất lượng đưa vào hoạt động, sử dụng. Trên cơ sở đó, ngày 23-6, UBND huyện Chương Mỹ đã có quyết định cho phép mở cửa lại bãi xử lý rác thải núi Thoong. Tuy nhiên, khi những xe rác đầu tiên xuất hiện, nhiều người dân ở 2 thôn Gò Chè và Tiến Tiên, xã Tân Tiến, tiếp tục ra cản trở. Lúc cao điểm, có đến 300 người dân tập trung tại bãi rác. Các tổ công tác của huyện trực tiếp có mặt để tuyên truyền, giải thích, nhưng người dân vẫn không chấp hành và yêu cầu không được đổ rác.
Trách nhiệm vì cộng đồng
Thống kê của huyện Chương Mỹ cho thấy toàn địa bàn có trên 10.000 tấn rác tồn đọng. Ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường lo âu: “Thời gian đầu, huyện cho phun thuốc khử trùng tại các bãi rác tạm, rồi dùng bạt che phủ. Tuy nhiên, do lượng rác và bãi rác ngày càng nhiều, các biện pháp trên đã không còn hiệu quả. Chính quyền địa phương buộc phải bất lực nhìn cảnh các bãi rác lộ thiên, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt của người dân”.
Trước phản ứng của người dân, lãnh đạo huyện Chương Mỹ đã đề xuất UBND thành phố có những chỉ đạo quyết liệt để đưa bãi thu gom, xử lý rác núi Thoong vào hoạt động. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày, lượng rác thải lớn vẫn tiếp tục tích tụ ngay tại các khu dân cư. Không ai nói trước điều gì, khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ những bãi rác tạm này là rất lớn. Hơn lúc nào hết, rất cần nhân dân xã Tân Tiến nêu cao ý thức công dân, tinh thần vì cộng đồng. Những bức xúc, kiến nghị phải được cụ thể hóa bằng văn bản, và cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm trả lời. Việc tụ tập và có những hành vi quá khích, trong chừng mực nào đó, là vi phạm pháp luật. Và những cá nhân quá khích, những đối tượng cố tình xúi giục người dân không chấp hành chủ trương của thành phố, sẽ bị xử lý.
Minh Hà