Cần sớm đưa giáo dục giới tính vào trường học
(ANTĐ) - Trao đổi bên ngoài buổi nói chuyện với học sinh THCS ViệtNam-Algeria, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh 13 đến 15 tuổi là lứa tuổi bắt đầu xuất hiện những thay đổi lớn trên cơ thể để chuyển tiếp từ một bé gái trở thành thiếu nữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, không phải bạn gái nào cũng sẵn sàng với việc thay đổi và dẫn tới các em trải qua giai đoạn dậy thì với những hiểu biết rất mù mờ và nhiều ngộ nhận sai lầm về bản thân. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần chính thức đưa chương trình giáo dục giới tính vào trường học trong thời gian sớm nhất.
- PV: Hiện nay, rất nhiều bạn gái trẻ vẫn xem mẹ, chị gái là những nguồn chia sẻ thông tin về sức khỏe giới tính đáng tin cậy. Tuy nhiên, không phải các kinh nghiệm đều đúng. Vậy theo TS, giải pháp nào cho vấn đề này?
- TS Huỳnh Văn Sơn: Phải thừa nhận rằng khi việc giáo dục giới tính hay giáo dục sức khỏe sinh sản chưa được thực thi một cách hiệu quả và đồng bộ thì những nguồn thông tin không chính thống lại “lên ngôi”. Như đã đề cập những ngộ nhận của bạn trẻ bắt nguồn từ những thông tin chưa chính xác từ bạn bè, cha mẹ... cho nên giải quyết vấn đề cũng phải bắt đầu từ đây. Nhất thiết cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về việc đưa chương trình giáo dục giới tính vào môi trường học đường, thực hiện các chương trình truyền thông hệ thống và đồng bộ, cung cấp những dịch vụ tư vấn cộng đồng xuống tận tay những người trẻ như: phát cẩm nang, thực hiện dịch vụ trả lời trực tuyến...
- PV: Qua nhiều năm phối hợp với các trường trong chương trình giáo dục giới tính, TS nhận thấy ngành giáo dục cần bổ sung những điều kiện gì để đưa chương trình này vào học chính thức?
- TS Huỳnh Văn Sơn: Theo tôi được biết, Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành nghiên cứu nhiều năm nay về chương trình giáo dục giới tính trong trường học để chính thức triển khai trong thời gian tới. Điều này cho thấy nhận thức đúng của ngành giáo dục đối với vấn đề này. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay khi chưa có chương trình chính thức, các giáo viên mới chỉ giảng dạy tích hợp với một số bộ môn. Điều này dẫn tới nhiều hạn chế cần khắc phục như tâm lý e ngại của chính giáo viên. Bản thân nhiều giáo viên cũng còn giữ quan điểm chưa cởi mở khi đưa nội dung này vào giờ dạy khiến cho học sinh khó tiếp thu và không tạo được không khí để thầy trò thực sự trao đổi và chia sẻ.
- PV: Theo TS, việc e ngại, xấu hổ không dám chia sẻ, tìm hiểu các vấn đề về cơ thể và sức khỏe giới tính nói chung có thể khắc phục như thế nào?
- TS Huỳnh Văn Sơn: Thực ra việc hiểu biết những vấn đề về cơ thể là một trong những quyền lợi hết sức chính đáng. Mạnh dạn và chủ động tìm hiểu về chính mình để chăm sóc mình tốt hơn là sự trang bị cần thiết cho cuộc sống. Hơn thế nữa, cũng đừng e ngại hay giấu kín mọi thông tin mà nên chia sẻ cùng nhau trên quan điểm khoa học cùng với những phụ nữ khác để hướng đến một nếp sống bình đẳng giới và văn minh đích thực.
Vinh Hương (Thực hiện)